Đề xuất táo bạo 'trị bệnh' chậm giải ngân vốn đầu tư công

TP - Hạn chế và đi đến bỏ hình thức cho và phê duyệt chủ trương đầu tư kiểu “gọt chân cho vừa giày”; tránh tham mưu “theo luật mà làm”; giảm thủ tục hành chính; đặc biệt tách vốn giải phóng mặt bằng (GPMB) khỏi vốn của dự án… được xem là đề xuất táo bạo “trị bệnh” chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Một công trình tại Đắk Lắk đang thi công để kịp tiến độ

Đắk Lắk được quy hoạch trung tâm vùng Tây Nguyên. Thời gian qua, Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư công cho tỉnh Đắk Lắk song tiến độ giải ngân vốn còn chậm.

Loạt bất cập

Theo một số chủ đầu tư (CĐT), ngay khâu cho và phê duyệt chủ trương đầu tư chưa được chú trọng. Cụ thể, cho chủ trương đầu tư là bước đầu tiên rất quan trọng nhưng việc lập đề xuất chủ trương hiện nay đều giao cho các sở chuyên ngành hoặc UBND cấp dưới lập. Đơn vị lập đề xuất hầu như không được cấp kinh phí khảo sát, dẫn đến nội dung đề xuất đầu tư thường sơ sài, tổng mức đầu tư áng chừng, nhất là chi phí công tác đền bù kiểu bốc thuốc. Khi phê duyệt chủ trương, hội đồng phê duyệt yêu cầu chi tiết từ yếu tố kỹ thuật đến chi phí. Đến khâu lập dự án, đơn vị tư vấn khảo sát, tính toán chi tiết ra nhiều nội dung và mục phí không phù hợp với chủ trương đầu tư nên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Thẩm quyền điều chỉnh chủ trương do HĐND (một năm họp 3 kỳ) quyết định, như vậy dự án sẽ bị chậm tiến độ.

Để khắc phục vấn đề trên, nhiều CĐT chọn cách lập dự án đúng chủ trương đầu tư ban đầu để kịp phê duyệt, sau đó vừa làm, vừa xin điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Ngoài ra do chi phí GPMB tạm tính theo kiểu bốc thuốc, dẫn đến khi thực hiện sẽ thiếu kinh phí phải xin điều chỉnh bổ sung, trong khi đó theo cơ quan chuyên môn, ít nhất mất 200 ngày để ra được phương án bồi thường; chưa kể tốn thêm thời gian nếu đất chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vướng đất rừng, nguồn gốc đất chưa rõ ràng…

Trên thực tế dự án dù lớn hay nhỏ đều tuân thủ hầu hết các quy định về luật (ngân sách, xây dựng, đấu thầu, đất đai, tài nguyên môi trường, lao động…), chưa kể dưới luật còn có nghị định; thông tư…, nên quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc do các quy định chưa rõ ràng, chồng chéo. Các CĐT kiến nghị các cấp, cơ quan chuyên môn hướng dẫn tháo gỡ nhưng thường chỉ viện dẫn luật và trả lời chung chung theo quy định của pháp luật mà không kiến nghị hướng xử lý tháo gỡ.

Đề xuất táo bạo

Ông Phạm Văn Hạ - Giám đốc Ban quản lý dự án công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban Tỉnh)- một trong những đơn vị đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc ghi cụ thể kinh phí GPMB trong dự án mà chưa có sự tính toán kỹ lưỡng là nguyên nhân chính làm tăng tổng mức đầu tư, có dự án khi phê duyệt phương án đền bù chi phí thực tế tăng đến 10 lần so với chi phí phê duyệt trong báo cáo nghiên cứu khả thi.

Nhận rõ các bất cập trên, gần đây Bộ NN&PTNT đã áp dụng cách thức mới trong việc quyết định đầu tư dự án, cụ thể dự án Hồ chứa nước EaKhal quy mô gần 39 triệu m3, tại Đắk Lắk. Trước khi cho chủ trương đầu tư, Bộ giao Ban Tỉnh thực hiện bước chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn chuẩn bị để Ban có cơ sở lựa chọn tư vấn đồng thời yêu cầu ngoài lựa chọn tư vấn thiết kế phải có tư vấn khảo sát tính toán về chi phí đền bù, tư vấn khảo sát đánh giá về đất rừng, đất lúa…, để có chi phí tương đối chính xác, sát với thực tế khi đưa vào tổng mức đầu tư. Từ các dữ liệu thực tế, hội đồng đã phê duyệt chủ trương đầu tư GĐ1 vào tháng 7/2021 với tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến 610 tỷ đồng.

Ông Hạ mong muốn, các dự án tại địa phương cũng được thực hiện theo trình tự như Bộ NN&PTNT đã làm trên, hạn chế điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư đảm bảo tiến độ dự án và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Một số CĐT kiến nghị khi phê duyệt chủ trương đề nghị bố trí nguồn vốn riêng cho GPMB, và được cập nhật theo thực tế từ các phương án đền bù được phê duyệt để không ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; khi phê duyệt chủ trương cần có tính tổng thể, định hướng lâu dài không nên chia nhỏ nhiều dự án, giai đoạn dự án để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả khi đầu tư.