> Không được lấy dân làm thí nghiệm
Ông Lê Huy Ngọ, Nguyên Bộ trưởng NN&PTNT nói, cả hai khóa bộ trưởng của tôi, vẫn đau đáu hai câu hỏi lớn của nông dân: "Ông Bộ trưởng ơi, bây giờ nuôi con gì, trồng cây gì? Và ông Bộ trưởng ơi, thế giờ trồng cây này thì bán cho ai?".
Còn theo GS Võ Tòng Xuân, lâu nay, chúng ta vẫn nói "liên kết 4 nhà", có nhà nước, nhà khoa học, nông dân và DN đó, nhưng DN mà nông dân mong muốn là tiêu thụ sản phẩm cho họ thì không có. CĐML hiện chỉ làm được khâu là sản xuất ra sản phẩm, còn khâu tiêu thụ rất ít.
Do vậy, cái cần phải tiến xa hơn CĐML nữa là sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, thu mua, bao tiêu sản phẩm. Muốn thế, GS Xuân đề xuất, cần phải có Cty CP Nông nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho nông dân.
Nông dân có thể mua cổ phần bằng lúa sau mỗi vụ thu hoạch. Chẳng hạn nông dân bán lúa được 5.000 đồng/kg, thì có thể trích 300 đồng để góp cổ phần.
Theo GS Xuân: "Khi nông dân bán lúa với giá 4.300 đồng/kg, nhưng nay mai, giá lúa lên 5.000 đồng/kg, thì họ cũng không sợ mất, vì mình đã có cổ phần trong Cty. Cổ tức sẽ được Cty tính toán trả cho nông dân mỗi năm. Lúc này, nông dân là cổ đông, chứ không bị thương lái, DN ép giá”.
Cũng theo GS Xuân, Cty có thể trả tiền chậm 10-15 ngày, đây là biện pháp hiệu quả khi đến mùa thu hoạch rộ.
Cty phải đảm bảo thời điểm trả tiền cho nông dân, giá lúa phải mua bằng hoặc cao hơn giá ở thời điểm nông dân giao lúa cho Cty cộng với lãi suất 10-15 ngày.
Tuy nhiên, để thực hiện mô hình này, cần có một quỹ kích cầu cho các Cty CP Nông nghiệp để đảm bảo giá lúa cho nông dân.
Hiện Cục Trồng trọt đang dự thảo chính sách để phát triển CĐML trong đó, yêu cầu các DN xuất khẩu gạo phải tự xây dựng vùng nguyên liệu, gắn hợp đồng bao tiêu cho nông dân.
Theo đó, đến năm 2013, bắt buộc DN xuất khẩu phải có 15% gạo xuất khẩu từ hợp đồng với nông dân, trong giai đoạn 2014-2015, tỷ lệ hợp đồng nâng lên 50% và từ sau năm 2015, tỷ lệ gạo xuất khẩu qua hợp đồng với nông dân là 80%.