Đề xuất miễn thuế với thu nhập từ bán tín chỉ carbon, lãi trái phiếu xanh

Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng liên quan đến chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon, thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh...

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ về việc xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Trong đó, có đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung quy định về vấn đề thuế với các khoản thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, chuyển nhượng tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành của cá nhân được cấp chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon; thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh và thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành.

Bộ Tài chính cho rằng, xu hướng quốc tế đang khuyến khích phát triển các dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch (CDM). Bởi, đây là các dự án đầu tư sản xuất theo công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường, có kết quả giảm phát thải khí nhà kính.

Ban chấp hành quốc tế về CDM thực hiện việc giám sát, chấp thuận đăng ký và cấp chứng chỉ giảm phát thải. Tổ chức, cá nhân có quyền chuyển nhượng chứng chỉ cho các đối tượng có nhu cầu và có thêm nguồn vốn để đầu tư công nghệ sản xuất sạch.

Người có thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon, thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh... được đề xuất giảm thuế.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, phát triển thị trường tín chỉ carbon là giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường. Bộ này cũng dẫn Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022) đã có các quy định về tín chỉ carbon, cơ chế trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon, cũng như đề ra chủ trương Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường cũng có quy định về trái phiếu xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường; chủ thể phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu xanh được hưởng các ưu đãi theo quy định và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Thực tế, những năm gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và triển khai các chính sách nhằm thúc đẩy thị trường chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon, trái phiếu xanh nhằm khuyến khích bảo vệ môi trường thông qua việc giảm phát thải carbon. Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một số nước như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... đã có quy định miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải. Còn Mexico, Ấn Độ, Mỹ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập để thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh.

Đặc biệt, ở Mỹ, thu nhập từ trái phiếu xanh do chính quyền địa phương phát hành được miễn thuế thu nhập. Hay như ở Thái Lan và một số quốc gia có chính sách miễn, giảm thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ carbon, Bộ Tài chính dẫn chứng.

Để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, nhất là trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, Bộ Tài chính đề xuất cần nghiên cứu để bổ sung vào diện được miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, chuyển nhượng tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành của cá nhân được cấp chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon.

Các khoản thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh; thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành cũng cần xem xét đưa vào diện được miễn thuế.

Việc này có thể thực hiện tương tự như kinh nghiệm của các nước trên thế giới đang áp dụng.

Hiện nay, tại dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đang đề xuất bổ sung quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của các hoạt động này. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành thu nhập được miễn thuế để phù hợp với thực tiễn phát sinh.

Theo Vietnamnet