Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, đã diễn ra Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”. Hội thảo do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) tổ chức.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, mục đích của Hội thảo lần này nhằm giới thiệu mô hình khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để đầu tư vào Khu Kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Densavan. Qua đó, tạo kênh gặp gỡ, giao lưu trực tiếp, thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tổ chức doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
“Để Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan sớm đi vào vận hành và hoạt động có hiệu quả, tỉnh Quảng Trị đã xác định bên cạnh phối hợp nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý phải đồng thời tiến hành điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo và phối hợp tỉnh Savannakhet điều chỉnh quy hoạch Khu Thương mại biên giới Densavan phù hợp định hướng phát triển mới và tích cực quảng bá thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại 2 Khu kinh tế: Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Densavan, cả ba nội dung trên đang được tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet phối hợp triển khai thực hiện”, ông Hà Sỹ Đồng nói.
Ông Hồ Đại Nam - Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị - cho biết có đề xuất 6 ưu đãi đầu tư tại Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan. Đó là các ưu đãi về thủ tục đầu tư, huy động vốn, thủ tục hải quan, ưu đãi về nhân sự... dành cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan.
Thứ nhất, về phía Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam được đơn giản hóa thủ tục đầu tư tại khu kinh tế Desavan như đầu tư trong nước. Về phía Lào, trước đây khu kinh tế Desavan thuộc sự quản lý của chính quyền tỉnh Savannakhet nhưng sau này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào trực tiếp quản lý. “Thủ tục cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp giờ chỉ cần "một cửa", đảm bảo không quá 5 ngày làm việc doanh nghiệp sẽ được cấp giấy phép đầu tư nếu đầy đủ hồ sơ”, ông Hồ Đại Nam nói.
Thứ hai, doanh nghiệp cũng sẽ được đơn giản hóa và tạo điều kiện thuận lợi khi vay vốn để đầu tư sang Lào. Đơn cử, hiện nay, tại Lào đã có chi nhánh một số ngân hàng Việt Nam nhưng doanh nghiệp Việt chưa vay được tiền đồng. Với Đề án này, tỉnh Quảng Trị đã đề xuất và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã đồng thuận để sắp tới Vietinbank Lào triển khai cho doanh nghiệp Việt Nam vay và trả bằng đồng Việt Nam và được thế chấp tài sản để vay vốn khi đầu tư tại khu kinh tế thương mại Desavan.
Thứ ba, các thủ tục hải quan khi đầu tư tại hai khu kinh tế này cũng sẽ được đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ví dụ như giảm thủ tục kiểm tra, kiểm soát...
Thứ tư, từ đề xuất của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào rất khó khăn về lao động do thiếu lao động có trình độ tay nghề cao, trong khi đó quy định của Việt Nam về sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại dự án bị khống chế không quá 30%, Quảng Trị đề xuất để chính phủ hai nước có cơ chế cho phép nâng mức tỷ lệ này lên cao hơn, có thể 50-60%."Đề án cũng đề xuất tạo cơ chế thuận lợi cho lao động của hai nước tại hai khu kinh tế thương mại này có thể đi lại thuận lợi giữa hai cửa khẩu mà không cần hộ chiếu hay giấy thông hành", ông Nam nói.
Thứ năm, tạo điều kiện cho người và phương tiện đi lại giữa hai khu kinh tế này. Quy định này nếu được áp dụng sẽ giúp doanh nghiệp và hoạt động logistic giữa hai nước phát triển hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động giao thương kinh tế thương mại.
Thứ sáu, cho phép doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư tại Khu kinh tế Densavan được áp dụng các cơ chế chính sách hiện hành của hai nước Việt Nam và Lào một cách linh hoạt, điều kiện của nước nào tốt hơn thì được áp dụng quy định đó.
Dự thảo Đề án “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan" do UBND tỉnh Quảng Trị xây dựng và đề xuất, dự kiến được vận hành từ năm 2025, thực hiện theo 3 lộ trình.
Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư phía Việt Nam cho Khu Kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo giai đoạn 2024-2030 là 2.124 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương (bao gồm nguồn vốn để lại 50% thu qua cửa khẩu) và nguồn vốn ODA là 1.310 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa là 800 tỷ đồng; nguồn vốn đấu giá đất trong khu vực Lao Bảo là 2 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn hợp pháp khác là 12 tỷ đồng.
Tuyến biên giới Việt Nam - Lào hiện chỉ duy nhất ở khu vực cửa khẩu Lao Bảo - Densavan đã thành lập 2 khu kinh tế (Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Densavan) đối xứng nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet đề xuất Chính phủ hai nước cho phép thí điểm xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, qua đó mở ra triển vọng hợp tác ở nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam - Lào.