> Bản nháp vội vàng?
> 70.000 tỉ đồng cho một đề án giáo dục
Vừa qua, một số bài báo có bài viết về dự thảo Đề án “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015”, Bộ Giáo dục đã có công văn nhấn mạnh: "Ở nhiều nước, chương trình giáo dục đều được xem xét, điều chỉnh và thay đổi sau 7-10 năm. Vì vậy, việc đổi mới sách giáo khoa đặt ra ở nước ta hiện nay sau năm 2015 là phù hợp với xu hướng và kinh nghiệm chung của thế giới, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực với các phẩm chất và năng lực phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước".
Ông Hùng khẳng định: "Đây chỉ là khái toán trong một bản dự thảo đề án đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và đưa ra để lấy ý kiến nhằm bổ sung, điều chỉnh trước khi trình các cấp có thẩm quyền quyết định".
Công văn của Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ, dự thảo đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông bước đầu dự toán kinh phí là 70 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền chi cho việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa chỉ khoảng hơn 960 tỷ (chưa đầy 1/70 tổng dự toán).
Số tiền còn lại chi cho các việc khác như xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 35 nghìn tỷ (chiếm 1/2 tổng dự toán), mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30 nghìn tỷ (gần một nửa tổng dự toán), đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên 390 tỷ đồng...
Trước đó, dự thảo đề án "Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015" đã được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến vào đầu tháng 6 vừa qua và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều học giả cho rằng, con số 70.000 tỷ đồng là quá lớn và không có cơ sở khi đưa ra con số này.
Bộ GD&ĐT cho hay, hiện nay, chương trình sách giáo khoa được xây dựng theo hướng tiếp cận nội dung dạy học, quan tâm đến việc học sinh học được gì. Còn chương trình mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, tức là xuất phát từ các năng lực mà mỗi học sinh cần có trong cuộc sống và kết quả cuối cùng là phải đạt các năng lực ấy.
Theo đó, nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá đều phải hướng tới năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề trong học tập, cuộc sống, coi trọng rèn luyện kỹ năng sống.
Chương trình mới hướng tới là cân đối, hài hòa giữa dạy chữ, dạy người và từng bước dạy nghề cho học sinh. Ngoài chương trình chung cho toàn quốc, sách giáo khoa cũng sẽ có phần dành riêng cho các địa phương chủ động xác định. Học sinh sẽ được tăng cường thực hành, giải quyết các tình huống thực tiễn từ đó tích hợp, tránh sự trùng lặp gây quá tải cho chương trình.