Đẩy mạnh áp dụng luật tố tụng hành chính

TP - Nhiều năm qua, việc giải quyết các vụ án hành chính được thực hiện theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (TTGQCVAHC - ban hành năm 1996, sửa đổi, bổ sung các năm 1998 và 2006).

> Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam theo yêu cầu cải cách tư pháp

Thực tế cho thấy số lượng vụ án hành chính được xét xử rất ít, nếu so sánh với số lượng các vụ khiếu nại hành chính. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do Pháp lệnh TTGQCVAHC còn nhiều bất cập, bên cạnh đó là các văn bản pháp quy về giải quyết khiếu nại hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, cũng có rất nhiều bất cập và không thống nhất.

Pháp lệnh TTGQCVAHC được sửa đổi mạnh mẽ năm 2006, trong bối cảnh Luật Đất đai, Luật Khiếu nại - Tố cáo vừa được sửa đổi, và Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp, trong đó nhấn mạnh “Mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia tố tụng, đảm bảo sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án”.

Thực tế cho thấy, sau lần sửa đổi pháp lệnh TTGQCVAHC này, số lượng vụ án hành chính được thụ lý tăng vọt, vai trò của Tòa án trong giải quyết khiếu nại của công dân, tổ chức được cải thiện cả về lượng và chất.

Luật Tố tụng hành chính (TTHC) đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01-7-2011. Luật TTHC có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh TTGQCVAHC, theo hướng có lợi cho người khởi kiện: Phạm vi các quyết định, hành vi hành chính bị khởi kiện được mở rộng; điều kiện để khởi kiện thông thoáng hơn; thời hạn khởi kiện tăng lên.

Chẳng hạn, người dân, tổ chức có quyền khởi kiện những quyết định, hành vi hành chính trong lĩnh vực cưỡng chế thu hồi đất; họ có thể khởi kiện ngay mà không cần khiếu nại; thời hạn khởi kiện 01 năm thay cho 30 hoặc 45 ngày...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng những quy định mới của Luật TTHC chưa được nhiều người nắm bắt kịp thời để khiếu nại của họ được giải quyết hiệu quả hơn; điển hình là quy định: Từ 01-7-2011 đến 30-6-2012, người dân, doanh nghiệp có quyền khởi kiện các quyết định, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai mà trước đấy họ đã khiếu nại nhưng không được giải quyết, hoặc giải quyết không thỏa đáng.

Hiện tại thời hạn để nhận đơn khởi kiện các vụ án kiểu này còn rất ngắn, trong khi đây là cơ hội cuối cùng để giải quyết những vụ khiếu nại tồn đọng bấy lâu nay trong lĩnh vực quản lý đất đai bằng con đường tố tụng.

Các chuyên gia pháp luật khuyến cáo người dân, doanh nghiệp có thể tìm hiểu thủ tục làm đơn khởi kiện và chuẩn bị các tài liệu chứng cứ kèm theo, tại Luật TTHC, Nghị quyết số 56/2010/QH12 ngày 24-11-2010 của Quốc hội, và Nghị quyết 01/2011/NDQ-HĐTP ngày 29-7-2011 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Theo Báo giấy