Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT bị động, không có sự chuẩn bị trước cho phương thức học tập trực tuyến. Ông nghĩ sao?
Đúng là trong những ngày đầu năm học 2021-2022, hàng loạt địa phương phải dạy học trực tuyến ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tình trạng nghẽn mạng Internet đã xảy ra cục bộ, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy học của thầy trò các trường vùng có dịch.
Hiện nay, dạy học trực tuyến đang gặp phải 2 khó khăn lớn. Đó là đường truyền Internet và thiết bị học tập trực tuyến của học sinh. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đầu năm học 2021-2022, cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến, với số học sinh đang học trực tuyến khoảng 7,35 triệu em, trong đó số học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến khoảng 1,5 triệu em. Tháng 9, cả nước có hơn 2.000 điểm chưa có kết nối Internet di động (vùng lõm sóng), chi phí cho cước Internet di động còn cao khi học sinh học trực tuyến (vì phần nhiều là dữ liệu video).
Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Bộ TT&TT đề nghị phối hợp chỉ đạo các nhà mạng viễn thông có giải pháp nâng cao băng thông và chất lượng Internet, có chính sách ưu đãi về Internet cho giáo viên và học sinh trong tổ chức dạy học trực tuyến. Ngay khi các nhà mạng viễn thông vào cuộc nâng cao chất lượng dịch vụ Internet, hiện tượng nghẽn mạng khi dạy học trực tuyến đã được khắc phục cơ bản.
Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, đến hết năm 2021 sẽ không còn điểm lõm sóng trên toàn quốc; ngay trong tháng 9 phủ sóng đến 100% các điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 (283 điểm).
Bộ GD&ĐT có quy định cụ thể về nền tảng dạy học trực tuyến?
Việc sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến đã được Bộ GD&ĐT quy định cụ thể trong Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021, qua đó các loại phần mềm có thể áp dụng để tổ chức dạy học trực tuyến gồm phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến trực tiếp, Hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS), Hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến (LCMS). Mỗi loại phần mềm sẽ được áp dụng hiệu quả cho các tình huống tổ chức dạy học trực tuyến khác nhau.
Để đảm bảo phần mềm dạy học, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ TT&TT huy động các doanh nghiệp hỗ trợ phần mềm miễn phí cho giáo viên. Ngoài ra, giáo viên cũng đã tiếp cận nhiều phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến phổ biến trên thế giới như hệ sinh thái của Google (với Google Meet, Google Classroom...), hệ sinh thái Office 365…
Bộ GD&ĐT đánh giá thế nào về chất lượng đội ngũ, chất lượng dạy học theo phương thức trực tuyến?
Nhiều thầy cô giáo tuy gặp khó về thiết bị, đường truyền, lại có kinh nghiệm ít ỏi về dạy học trực tuyến, nhưng vẫn nỗ lực tổ chức các lớp học, hướng dẫn học sinh vượt qua bỡ ngỡ ban đầu. Nhờ đó, việc học của các nhà trường không bị “đứt gãy”, gián đoạn.
Cũng phải khẳng định một điều, dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn dạy học truyền thống những năm qua được thực hiện lần đầu tiên trong các nhà trường ở bậc giáo dục phổ thông tại Việt Nam. Việc này được áp dụng trong bối cảnh các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và là tình huống bất khả kháng nên gặp những khó khăn, hạn chế từ các điều kiện đảm bảo liên quan đến thiết bị học tập, đường truyền Internet, kỹ năng dạy và học trực tuyến của giáo viên, học sinh…
Cảm ơn ông.