> Thay đổi cách dạy, học văn
> Còn nhiều 'canh gà Thọ Xương' khác
Không học được gì thì học ban C?
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT, căn cứ số liệu thống kê thì môn Ngữ Văn đang bị tuyệt đại đa số học sinh phổ thông chối bỏ. Chẳng hạn số lượng học sinh đăng ký học và thi ban Xã hội & Nhân văn (còn được gọi là ban C) ngày càng ít đi. Đã vậy, chất lượng lại không cao khi phần lớn các em học ban này chỉ vì không đủ năng lực theo học các ban khác. Trong khi đó, rất nhiều học sinh ban Khoa học Tự nhiên (thi khối A và D) rất giỏi văn.
“Gần 100% học sinh THPT chỉ cần học văn để thi đỗ tốt nghiệp mà thôi”, ông Thống nói. Tuy nhiên, ông Thống cũng cho rằng thực trạng trên không chỉ là hệ quả của việc dạy học văn trong nhà trường hiện nay mà còn do nhiều tác động từ bối cảnh xã hội. Chính vì vậy nó là một thách thức cho hoạt động này trong tương lai.
Gần đây Sở GD&ĐT Bình Thuận khảo sát ở 24 trường THCS và 26 trường THPT trong toàn tỉnh. Họ thu được những kết quả đáng lo ngại: Mặc dù có sự động viên, hướng dẫn, khuyến khích của giáo viên nhưng văn hóa đọc không còn là phương thức chính tiếp nhận giá trị tác phẩm văn học của học sinh. Văn hóa nghe nhìn thu hút mạnh mẽ các em (chiếm tỉ lệ trên 85%).
“Học sinh trung học có thể chăm chú theo dõi liên tục cả chục tập phim truyện (trên mạng Internet hoặc trên TV) chứ không kiên nhẫn ngồi đọc hết một cuốn tiểu thuyết vài trăm trang trở lên.
Học sinh có thể vào mạng hàng giờ tìm kiếm những thông tin mới lạ theo sở thích chứ không kiên nhẫn ngồi đọc hết một tập truyện ngắn nếu truyện ngắn đó không có nội dung gắn với tâm lý lứa tuổi. Số lượng ham thích đọc truyện chiếm tỉ lệ rất thấp.
Không ít học sinh THPT vẫn còn mê đọc truyện tranh, xem phim hoạt hình. Thực trạng đó làm lệch hướng, quay ngược nhau giữa người học và người dạy” - thầy Võ Văn Tám, Sở GD&ĐT Bình Thuận chia sẻ.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát trên mâu thuẫn với những nhận định tổng quát về mục tiêu của chương trình môn Ngữ Văn hiện hành. Nhiều chuyên gia cho rằng, cái mới mà các tác giả soạn thảo chương trình môn Ngữ Văn được triển khai đại trà từ sau năm 2002 đưa vào được trong chương trình này là tư tưởng đọc – hiểu.
Theo đó, mục tiêu hướng tới của chương trình là không chỉ cung cấp kiến thức mà còn hình thành cho học sinh năng lực tự đọc, tự học, tự tiếp nhận văn học nói riêng và văn bản nói chung.
“Tuy nhiên tư tưởng và phương pháp đọc – hiểu nhìn chung mới dừng lại ở nhận thức là chính. Trong thực tế dạy học tư tưởng đó chưa được hiện thực hóa một cách toàn diện, đồng bộ và hiệu quả” - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhận xét.
Nhiều giờ văn “cưỡi ngựa xem hoa”
Tại hội thảo, nhiều nguyên nhân được đưa ra nhằm giải thích cho thực trạng trên, trong đó nội dung chương trình - SGK. Chương trình - SGK hiện hành được tập trung phân tích mổ xẻ nhiều cũng bởi đang là giai đoạn Bộ GD&ĐT soạn thảo Đề án đổi mới chương trình và SGK sau năm 2015, và đây chính là lý do quan trọng số một để Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo này.
Theo GS.TS Lê A, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một trong những cái dở của chương trình hiện hành là tính thiết thực, phục vụ cuộc sống của chương trình và SGK môn Ngữ Văn hiện nay còn yếu. Ví dụ, từ lớp 10 đến lớp 12 học sinh phải học tổng cộng 94 tiết Làm văn nhưng trong đó chỉ có 5 tiết dạy học nói.
“Giờ Tập làm văn miệng thường thất bại. Nên chăng tách dạy nói và dạy viết thành hai mạch riêng như một số nước trên thế giới đã và đang làm?” - GS TS Lê A nói.
Mục tiêu không được xác định chính xác và sự ôm đồm cũng được cảnh báo. Sự ôm đồm gây quá tải biểu hiện ở nhiều yếu tố: thời lượng, số lượng tác giả, tác phẩm được đưa vào chương trình, tính vừa sức - vừa tầm đón nhận đối với học sinh.
Có những tác phẩm dù rất có giá trị văn chương nhưng lại trở thành gánh nặng với học sinh và cả người dạy. Vì áp lực quá tải, giáo viên phải chấp nhận từ bỏ những cuộc giao tiếp văn chương đúng nghĩa trên lớp để đạt được mục tiêu bài học.
Những giờ dạy - học văn thành những giờ “lao động” thay vì những giờ đối thoại giữa thầy và trò trong không khí thù tạc, đàm đạo văn chương. “Chính sự quá tải như thế mà rất nhiều giờ văn kiểu cưỡi ngựa xem hoa phần nào tước mất sự hứng thú và say mê của học sinh.
Giáo viên khó mà tạo được sự lắng đọng, những ấn tượng văn chương ở các em qua những giờ văn như thế.
Cả thầy và trò đều phải chạy đua với thời gian để hoàn thành kế hoạch dạy học, để đối phó với thi cử” - cô Bùi Thị Kim Duyên, giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diệu, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Ngữ Văn là một trong những môn học có vị trí và tầm quan trọng số một ở nhà trường phổ thông và không bị bất kỳ quốc gia nào coi nhẹ.
“Tuy vậy, làm thế nào để môn học Ngữ Văn xứng đáng với vị trí và tầm quan trọng của nó thực sự là thách thức lớn mà vai trò quyết định thuộc về các nhà giáo, các tác giả xây dựng chương trình và biên soạn SGK”.
Cần một chương trình mở
GS. TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, để thực sự đạt được mục tiêu rèn luyện năng lực cho học sinh, chương trình Ngữ Văn tương lai cần là một chương trình mở.
Tính mở trước hết thể hiện ở nội dung. Ví dụ, học về nhân vật văn học, chương trình chỉ nêu yêu cầu nắm bắt được khái niệm nhân vật văn học, cách xây dựng nhân vật của một thể loại, một trường phái, một phong cách nào đó và có một vài gợi ý tìm tác phẩm; còn việc lựa chọn tác phẩm cụ thể để dạy về nhân vật văn học một phần do tác giả SGK, một phần do thầy cô và trò quyết định.
Chương trình nên tạo cơ hội cho học sinh giới thiệu và thảo luận với các bạn cùng lớp những tác phẩm mình mới đọc. Tính mở của chương trình còn phải thể hiện ở sự phân phối hợp lý giữa thời gian học tập trên lớp với thời gian hoạt động của cá nhân mà chương trình hiện hành vẫn xếp vào loại “hoạt động ngoại khóa” như đọc sách ở thư viện hay thăm bảo tàng…