Tiếp bài “Nhà máy thành cao ốc, công nhân ra đường”:

Đất rộng, vốn ít, người lao động bị đánh bật

TP - Sở hữu những khu đất “vàng” rộng lớn ở Hà Nội, nhưng khi cổ phần hóa không phải tính giá trị lợi thế đất đai vào trị giá doanh nghiệp nên vốn điều lệ của doanh nghiệp rất ít. Trong khi đó, mục đích chính của nhiều doanh nghiệp là liên kết, bắt tay với các đối tác bên ngoài để thực hiện những dự án bất động sản (BĐS). 
Khu đất “vàng” 47 Nguyễn Tuân đang được tháo dỡ nhà xưởng sản xuất để nhường chỗ cho dự án BĐS.

Trở lại câu chuyện của Cty CP Dệt Mùa Đông ở 47 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Như báo Tiền Phong phản ánh gần 1 tháng nay trong khi những công nhân gắn bó lâu năm đang đứng ở lề đường để đòi quyền lợi thì bên trong khuôn viên Cty này đang được gấp rút thu dọn mặt bằng, tháo dỡ nhà xưởng sản xuất để thi công dự án khu căn hộ mang tên Goldsky.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Dệt Mùa Đông cho rằng, liên quan đến những quyền lợi của công nhân, hiện Cty đã báo cáo xin ý kiến của thành phố Hà Nội về việc có được hưởng chế độ theo Quyết định 86 ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị hay không. “Vì chúng tôi là Cty cổ phần nên việc giải quyết quyền lợi cho người lao động phải theo quy định chứ không phải muốn hỗ trợ là được”, ông Thành nói.

Cty CP Dệt Mùa Đông tiền thân là Cty dệt len Mùa Đông (thuộc Sở Công nghiệp Hà Nội trước đây-PV) được thành lập năm 1960. Ngày 22/3/2006, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định chuyển đơn vị này từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần 100% vốn cổ đông. Khi tiến hành cổ phần hóa, Cty dệt len Mùa Đông không phải tính trị giá lợi thế đất vào trị giá doanh nghiệp nên vốn điều lệ của Cty chỉ có 15 tỷ đồng. “Việc định giá cổ phần 15 tỷ đồng bao gồm máy móc, nhà xưởng trên đất…, chứ không định giá khu đất 47 Nguyễn Tuân, vì đây là đất thuê trả tiền hàng năm cho thành phố”, ông Thành nhấn mạnh.

Giao cả nhà máy cho dự án BĐS

Cty CP Dệt Mùa Đông có lợi thế khi đang “sở hữu” khu đất “vàng” mặt phố Nguyễn Tuân với diện tích 22.600m2. Chính vì vậy, không cần chờ đến khi được cổ phần hoá, năm 2004, Ban Giám đốc Cty này đã có văn bản đề nghị thành phố Hà Nội xin chuyển mục đích sử dụng đất tại 47 Nguyễn Tuân mà đơn vị đang sử dụng sang xây dựng khu dịch vụ, nhà chung cư dưới danh nghĩa thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành.

Sau nhiều năm cổ phần hóa, nhiều lần tăng vốn điều lệ nhưng hiện Cty mới đạt được số vốn 35 tỷ đồng, trong khi doanh thu mỗi năm vào khoảng 40 tỷ đồng. “Hằng năm, riêng tiền thuê đất phải trả là 3,5 tỷ đồng, nhưng từ năm 2011 tiền thuê theo giá mới lên tới 7,8 tỷ đồng. Trong khi hàng hoá sản xuất ra tiêu thụ cũng khó khăn”, ông Thành cho biết. 

Trả lời xung quanh câu chuyện liên kết với đối tác thực hiện dự án BĐS tại khu đất “vàng” 47 Nguyễn Tuân, ông Thành cho hay, dự án này có mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng theo hình thức liên kết chia lợi nhuận, chia sản phẩm. “Việc liên kết dự án theo hình thức mỗi bên góp 50-50 khi có lợi nhuận thì chia đôi. Đây là quyền lợi của cổ đông không liên quan gì đến cán bộ công nhân viên”, ông Thành nói.

Trường hợp khác cũng chuyển đất “vàng” thành dự án BĐS là Cty dệt 19/5 Hà Nội. Dù là doanh nghiệp nhà nước nhưng toàn bộ khu đất “vàng” tại số 203 Nguyễn Huy Tưởng của đơn vị này cũng trở thành dự án BĐS “khủng” với giá bán căn hộ từ 38 đến 41 triệu đồng/m2. Năm 2005, lãnh đạo thành phố Hà Nội có quyết định chuyển Cty dệt 19/5 Hà Nội sang Cty TNHH nhà nước một thành viên dệt 19/5 Hà Nội với vốn điều lệ là 40 tỷ đồng.

 Dù vốn ít, nhưng đổi lại Cty này đang “sở hữu” những khu đất “vàng” trên địa bàn Hà Nội. Một trong số này là khu đất 42.257m2 tại số 203 phố Nguyễn Huy Tưởng và một mặt phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân). Năm 2013, trên cơ sở đề xuất của Cty Cổ phần HBI (đơn vị được giao làm chủ dự án - PV), UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu đất 42.257m2 này thành tổ hợp chung cư cao tầng, văn phòng cho thuê, nhà ở thấp tầng… Trong đó có công trình từ 27 đến 35 tầng; quy mô dân số trên 5.000 người. 

Xử lý khu trưng bày sản phẩm biến thành tổ hợp căn hộ mẫu

Sau khi Tiền Phong có bài phản ánh việc, dưới danh nghĩa xin làm khu trưng bày sản phẩm Công ty Vinasport ở số 181 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) đã ký kết với đối tác bên ngoài cho thuê làm tổ hợp khu căn hộ mẫu và khu kinh doanh bán hàng, lãnh đạo Thanh tra Xây dựng Hà Nội cho biết: “Công ty Vinasport xây khu nhà mẫu, phòng bán hàng kiên cố là sai. Chúng tôi đang yêu cầu thanh tra địa bàn xử lý nghiêm”, đại diện Thanh tra Xây dựng Hà Nội nói.