Đất Mũi đang phát triển thành một địa điểm du lịch thu hút du khách gần xa

Nằm trong chuỗi hoạt động thuộc Chương trình Sự kiện “Cà Mau – Điểm đến 2022”, rạng sáng 9/10, giải Đất Mũi Marathon Cà Mau 2022 chính thức khởi tranh ở các cự ly khác nhau.

Nơi hội tụ cuối cùng của hai con đường huyền thoại

Giải Đất Mũi Marathon Cà Mau 2022 có gần 2.300 vận động viên tham gia tranh tài ở 4 cự ly: Cự ly thi đấu Marathon 42km và bán Marathon 21km dành cho vận động viên chuyên nghiệp nam, nữ; cự ly thi đấu 5km, 10km dành cho vận động viên phong trào nam, nữ.

Hành trình của các vận động viên sẽ xuyên rừng ngập mặn Đất Mũi. Trên hành trình ấy, các vận động viên có cơ hội được trải nghiệm vùng đất với hệ sinh thái đặc trưng rừng ngập mặn đa dạng, phong phú, đậm đà hương biển độc đáo và đặc sắc vùng đất Bán đảo Cà Mau. Đó cũng là nơi hội tụ cuối cùng của hai con đường huyền thoại (Hồ Chí Minh trên biển và trên bộ) mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng muốn một lần đặt chân lên vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân phát biểu tại lễ khai mạc.

Phát biểu lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, giải “Đất Mũi Marathon - Cà Mau 2022 Cúp PetroViet Nam là điểm hẹn thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến khám phá, trải nghiệm ở vùng đất giàu tiềm năng, ẩn chứa biết bao điều kỳ thú.

Đồng thời, Cà Mau vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi hội tụ điểm cuối của hai con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên bộ và Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

“Đất Mũi đang phát triển thành một địa điểm du lịch thu hút du khách gần xa. Đến với Mũi Cà Mau, du khách được tham quan điểm cuối đường Hồ Chí Minh, đi đến tận cùng cột mốc toạ độ Quốc gia, được viếng đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và tượng Mẹ; ngắm rừng, ngắm biển, chiêm ngưỡng bình minh, ngắm ráng chiều ẩn hiện trên mặt biển bao la. Đất Mũi được nhắc đến như một vùng đất thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam; trong đời, ai cũng ước một lần được đến”.

Giải Marathon Cà Mau là hoạt động sự kiện du lịch và văn hóa, thể thao nhằm tuyên truyền, quảng bá du lịch, đặc biệt là du lịch xanh (Ảnh chụp sáng 9/10).

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng chia sẻ: “Thông qua các sự kiện hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và hoạt động ẩm thực…nhằm tuyên truyền, quảng bá du lịch, đặc biệt là du lịch xanh; tạo điều kiện để du khách vừa tham quan, vừa trải nghiệm, khám phá phong cảnh tại tỉnh Cà Mau; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và giới thiệu hình ảnh tỉnh Cà Mau đến với người dân cả nước và du khách quốc tế”.

Mê mẩn các món ăn đặc sản nổi tiếng của vùng Đất Mũi

Cùng nằm trong khuôn khổ của Sự kiện “Cà Mau – Điểm đến 2022”, ngày 8/10, huyện Ngọc Hiển tổ chức khai mạc hoạt động Hội thi ngày hội ẩm thực Đất Mũi và các hoạt động thể thao tại Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.ô

Ông Đặng Minh Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển chia sẻ, Mũi Cà Mau – một địa danh như một vùng đất thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam và trong đời, ai cũng ước một lần được đến.

Đến với khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, du khách có thể ghé thăm cột mốc toạ độ quốc gia, ngắm rừng, ngắm biển, chiêm ngưỡng công trình Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi, dấu mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh, chiêm bái Đền thờ Lạc Long Quân, tượng Mẹ và để được trải nghiệm, hòa mình vào khu dự trữ sinh quyển thế giới, để ngắm ráng chiều ẩn hiện trên vùng trời biển bao la.

Các sự kiện hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, ẩm thực giới thiệu hình ảnh con người và vùng đất Cà Mau với du khách thập phương.

Nhắc đến Cà Mau, ai cũng liên tưởng đến các món ăn đặc sản nổi tiếng của vùng Đất Mũi, với các tên gọi đã đi vào lòng người: Tôm, Cua, ba Khía Gạch Gốc, Vọp rừng, Ốc Len, Hàu, cá Thòi Lòi… được chế biến thành nhiều món ăn và để rồi ai đã thưởng thức một lần là nhớ mãi.

“Với những lợi thế về địa danh và tiềm năng du lịch, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ giúp đỡ của các sở, ngành cấp tỉnh; sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, huyện Ngọc Hiển đã tích cực, nổ lực để tập trung phát triển du lịch, xem đây là một trong những ngành trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội.

Một số hoạt động trọng tâm của sự kiện “Cà Mau – Điểm đến 2022” được tổ chức trên địa bàn huyện đây là niềm vui, niềm tự hào của người dân Ngọc Hiển; hoạt động này còn để góp phần thúc đẩy công tác quảng bá, kích cầu du lịch của huyện, nhất là trong thời điểm tập trung phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID – 19”, ông Khởi chia sẻ.

Theo ông Khởi, huyện Ngọc Hiển được giao chủ trì tổ chức Ngày hội ẩm thực Đất Mũi, với các nội dung: Hội thi ẩm thực và các hoạt động thể thao dân gian với 7 đơn vị tham gia (gồm các xã và thị trấn Rạch Gốc), với 84 thí sinh và vận động viên tham gia tranh tài.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển hy vọng rằng với những đặc sản nổi tiếng của địa phương, sẽ được thăng hoa qua sự chế biến khéo léo của các “nghệ nhân đầu bếp không chuyên”; mong rằng với hoạt động thể thao dân gian, mang tính chất gần gũi với sinh hoạt đời sống hàng ngày của vùng sông nước Cà Mau, lần đầu được tổ chức là kéo co trên xuồng ba lá; bắt lịch trên bãi bùn, các vận động viên sẽ thể hiện tài nghệ điêu luyện, kinh nghiệm thực tiễn để chinh phục người xem.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng đã vận động các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh trưng bày và bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, hàng hải sản tươi sống; vào buổi chiều hôm nay cũng tại địa điểm này các gian hàng sẽ bày bán những món ăn nhanh đặc sản được chế biến từ hải sản tươi sống để phục vụ du khách.

“Tôi mong rằng bà con nhân dân huyện Ngọc Hiển, nhất là xã Đất Mũi sẽ thể hiện sự thân thiện, hiếu khách, nghĩa tình của người dân xứ Mũi đối với du khách”, ông Khởi nói.