Đạo diễn chia sẻ chuyện bếp núc của ’Hương vị tình thân' giữa mùa dịch

TPO - Bộ sofa nhà chủ tịch Khang “rách như hàm cá mập”, Long sử dụng ga giường ba năm không thay, trang phục của các tinh anh xã hội (Nam, Long) thì lặp đi lặp lại như nhà nghèo... là những “hạt sạn” khiến khán giả khó chịu khi xem “Hương vị tình thân”. Hóa ra mọi chuyện đều có nguyên nhân.

“Hương vị tình thân” là loại phim cuốn chiếu, nghĩa là phim vừa quay vừa phát sóng cho nên đến giờ phút này, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng và ê kíp vẫn phải căng mình ngoài hiện trường mỗi ngày để đảm bảo đến ngày đến tháng là có phim chiếu.

Các diễn viên Hương vị tình thân tại hiện trường

Dịch bệnh khiến du lịch đóng băng, các trung tâm vui chơi giải trí, rạp chiếu phim ngừng hoạt động. Với một bộ phận không nhỏ người dân, món ăn tinh thần thời dịch chính là phim truyền hình. Cho nên, dù phải đối mặt rất nhiều khó khăn nhưng để phim chiếu vào khung giờ vàng không bị thủng sóng, ê kíp làm phim vẫn phải vừa quay vừa chống dịch.

Bởi vì làm phim trong thời điểm giãn cách xã hội nên có rất nhiều việc phải “cầm lòng vậy, đành lòng vậy”, không có lựa chọn. Ví dụ, những chi tiết mà khán giả soi được trên phim như: bộ sofa bị rách, ga giường cũ... đều là những thứ “có sao dùng vậy” vì để chọn một bối cảnh mới để quay gần như là bất khả thi trong thời điểm này.

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng chỉ đạo tại trường quay

Chuyện đơn giản nhất là vấn đề ăn uống của diễn viên, trước đây cả đoàn sẽ ăn chung hoặc đặt nấu, hoặc ra quán, nhưng từ khi dịch bùng phát, tất cả mọi người đều phải tự chuẩn bị đồ ăn mang theo. Khi không có cảnh quay thì ai ngồi góc nấy, đeo khẩu trang, hạn chế giao tiếp. Trước mỗi một buổi làm việc mọi người trong đoàn đều phải test COVID-19, nếu sáng mai quay thì tối nay phải test.

“Áp lực của đại dịch có ảnh hưởng ít nhiều đến tinh thần của mọi người. Có những người phải xa gia đình, con nhỏ theo đoàn trong một thời gian dài, có nghệ sĩ có tuổi cũng phải khắc phục vấn đề sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ nên chúng tôi chỉ có thể nói sẽ cố gắng hết sức trong khả năng của mình”, đạo diễn “Về nhà đi con” khẳng định.

Dù vướng dịch nhưng đoàn phim vẫn phải đảm bảo tiến độ

Ngoài ra, theo đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, bình thường đoàn phim đi quay sẽ có khoảng bảy tám chục người, nhưng vì COVID-19 phải giảm nhân số, chỉ còn chừng năm chục người. Bối cảnh phim cũng phải chọn nơi vắng vẻ, ít người để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Chính vì sự an toàn của diễn viên là trên hết, đoàn phim mong khán giả thông cảm cho một số lỗi về trang phục hay đạo cụ trong quá trình làm phim. Đại diện đoàn phim cũng cho biết, sẽ lắng nghe, ghi nhận và cân nhắc về những nguyện vọng của khán giả đối với nội dung và tình tiết phim: ví như có nên đẩy thuyền để bà Bích, ông Sinh thành một đôi, hay “đập một phát cho tỉnh” đối với Diệp si tình đến mù quáng, tìm cho Nam một người xứng đáng hơn Long, tuân thủ nguyên tác trong phim Hàn hay sửa đổi bổ sung để hợp với thị hiếu người Việt hơn v.v...

Nam và Long trao đổi trước khi bấm máy.

“Dù sao khán giả cũng là “thượng đế” của phim cho nên chúng tôi rất hoan nghênh các ý kiến đóng góp, tương tác của khán giả. Đây cũng là liều dopping tinh thần để anh chị em trong đoàn có thêm động lực làm việc, cống hiến trong hoàn cảnh khó khăn như hiện giờ”, người này kết luận.