Sự thật bất ngờ liên quan đến béo phì
Theo Kết quả Nghiên cứu về các bệnh không lây nhiễm năm 2018 của WHO, hai trong bốn nhóm nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, béo phì, ung thư là chế độ ăn uống không lành mạnh và thói quen sống thiếu vận động. Tổ chức này còn cho biết, ngủ không đủ thời gian tối thiểu hoặc tiêu thụ nhiều các thực phẩm có chứa chất béo hay hàm lượng muối cao cũng có thể là nguyên nhân gây ra thừa cân.
Trong khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia được công bố vào tháng 7/2019 cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến béo phì. Trong đó, đáng chú ý nhất là tình trạng thừa năng lượng nhưng lại thiếu vận động thể lực ở trẻ em. Thậm chí, kết quả phân tích hồi quy tuyến tính với phương pháp Stepwise sử dụng chỉ số WHZ (Weight-for-height z-scores) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sử dụng để phân loại suy dinh dưỡng, gầy còm, bình thường, thừa cân và béo, nhóm khảo sát của Viện Dinh Dưỡng còn cho thấy tần suất sử dụng các thực phẩm có đường khác trong nghiên cứu còn giảm nguy cơ thừa cân béo phì xuống 0,647 lần.
Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Nottingham (Anh) đã được trình bày tại Hội nghi Châu Âu về béo phì được tổ chức tại Glasgow, nhóm nghiên cứu nhận thấy không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa việc sử dụng đồ uống có đường với nguy cơ thừa cân béo phì cao ở trẻ trong độ tuổi 4- 10 tuổi.
Theo đó, nhóm các nhà nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 1.298 trẻ em từ 4-10 tuổi ở Vương Quốc Anh trong khoảng thời gian kéo dài 8 năm, từ 2008-2016. Mỗi năm, cha mẹ của trẻ em trong nhóm khảo sát đã gửi một cuốn nhật ký thực phẩm 4 ngày của trẻ, bao gồm chiều cao, cân nặng, chế độ ăn uống và lượng đường, nước ngọt tiêu thụ. Kết quả cho thấy, 61% trẻ em trong cuộc khảo sát đã tiêu thụ ít nhất một loại nước ngọt có đường trong thời gian khảo sát kéo dài bốn ngày. Tuy nhiên, chỉ số khối cơ thể (BMI) ở trẻ tiêu thụ đồ uống có đường không cao hơn những đứa trẻ không sử dụng đồ uống có đường. Điều này trái ngược hoàn toàn với các nghiên cứu trước đây.
Ngoài ra, “Trẻ mang một số gen trong các nhóm gen như nhóm gen kích thích sự ngon miệng, nhóm gen liên quan tiêu hao năng lượng, nhóm gen điều hòa chuyển hóa, nhóm gen liên quan đến sự biệt hóa và phát triển tế bào mỡ sẽ có nguy cơ béo phì. Những trường hợp này thường gặp ở cha mẹ thừa cân – béo phì”. PGS.TS Cao Thị Thu Hương – Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia chia sẻ.
Thuế chưa phải là cách tối ưu để giảm béo phì và bảo vệ sức khỏe toàn dân
Đến nay, một số quốc gia trên thế giới áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt với mục tiêu giảm và ngăn ngừa các bệnh tiểu đường và béo phì. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa mang lại hiệu quả, thậm chí còn gây ra những tác động ngược đến nền kinh tế và đời sống người dân.
Nhiều nước phát triển như Đan Mạch và một số nước thuộc Liên minh châu Âu đã gặp thất bại khi áp dụng loại thuế này. Năm 2012, Đan Mạch đã phải bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt vì chính sách này gây ra tình trạng thất nghiệp, tăng lạm phát, tăng chi phí hành chính cho doanh nghiệp, đặc biệt loại thuế này có tác động không đáng kể đối với việc tiêu dùng thực phẩm và đồ uống. (4). Với các nước thuộc Liên minh châu Âu như Pháp, Phần Lan, Hungary, Hà Lan, một nghiên cứu vào năm 2014 cũng đã chỉ ra chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt là thủ phạm làm tăng chi phí hành chính, dẫn đến tình trạng thất nghiệp, tăng giá thực phẩm, và hoàn toàn không cải thiện rõ rệt tình hình sức khoẻ cộng đồng.
Tại khu vực châu Á, một số quốc gia như Thái Lan, Campuchia, Lào, Brunei đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, tuy nhiên tỷ lệ béo phì trong độ tuổi từ 5 đến 19 tuổi và độ tuổi từ 18 tuổi trở lên ở các quốc gia này vẫn tăng liên tục trong 16 năm qua. Đặc biệt, Brunei và Thái Lan là hai quốc gia có tỷ lệ béo phì tăng nhanh và cao nhất trong khu vực. Cụ thể, Thái Lan tỉ lệ béo phì ở người từ độ tuổi 5 đến 19 tuổi tăng từ 3.1% (năm 2000) lên mức 11.3% (năm 2016), còn tỷ lệ người béo phì ở Brunei trong độ tuổi từ 5 đến 19 tuổi tăng từ 6.4% (năm 2000) lên mức 14.1% (năm 2016).
Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế New Zealand được công bố năm 2017 về việc Đánh giá hiệu quả của thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho đồ uống có đường đối với việc cải thiện sức khỏe người tiêu dùng cũng đã chỉ ra rằng, không thể xác định được mối quan hệ nhân quả giữa thuế và thói quen tiêu dùng; không thể khẳng định mối tương quan giữa thuế và hiệu quả sức khỏe; và không có chính sách thuế nào là tối ưu.
Tại Mỹ, lượng tiêu thụ nước ngọt trên đầu người giảm đi trong suốt 15 năm qua, nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn gia tăng. Còn tại Úc, lượng tiêu thụ đường, chất làm ngọt và thức uống có đường đã giảm hơn 16% từ năm 1980 đến 2011; các dữ liệu của ngành cũng cho thấy lượng sử dụng nước ngọt có ga bình quân trên đầu người đã giảm đến 26% trong vòng 14 năm, từ năm 1997 đến 2011. Tuy nhiên, tỷ lệ béo phì vẫn tăng gấp 3 lần khoảng khoảng thời gian 30 năm. Phát hiện này như một minh chứng góp phần minh oan cho những “tiếng xấu” mà đường và thức uống có đường đã phải gánh chịu trong nhiều năm liền
Đâu là giải pháp hiệu quả để giảm béo phì?
Một quốc gia điển hình có những chính sách phù hợp trong việc giảm tình trạng béo phì là New Zealand. Quốc gia này thực hiện chương trình “Active Family” để cả gia đình cùng tham gia vào hoạt động thể chất, tăng cường chơi thể thao, vận động ngoài trời cùng với con, hướng dẫn trẻ ăn uống lành mạnh, giúp con vượt qua tình trạng thừa cân…
Để thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng hướng đến chế độ dinh dưỡng, ăn uống lành mạnh, Nhật Bản, Singapore không cần áp thêm bất kỳ một loại thuế suất nào làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nền kinh tế hay môi trường đầu tư. Giải pháp được các quốc gia này lựa chọn là một số biện pháp khác như dán nhãn sản phẩm để giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm đúng theo nhu cầu, hay khuyến khích doanh nghiệp phát triển những sản phẩm tốt cho sức khỏe, tuy nhiên hiệu quả mang lại lại rất khả quan, tích cực.
Nhìn nhận một cách khách quan, thay vì áp thuế, chính phủ nên tập trung vào các chính sách và chương trình giáo dục về dinh dưỡng, rèn luyện thân thể và tăng cường vận động. Đơn cử như chương trình Sức khỏe Việt Nam do Bộ Y tế triển khai, nhằm tăng cường vận động thể lực cho người dân bằng cách phát động phong trào 10.000 bước chân mỗi ngày, khuyến khích đi bộ hàng ngày.