Từ năm 2024, biệt điện Trần Lệ Xuân đổi tên thành Madame de Dalat, khoác lên màu áo mới và trở thành địa điểm tham quan ấn tượng tại thành phố Đà Lạt.
Biệt điện khởi công năm 1958, từng có cái tên mỹ miều là Biệt điện Đệ nhất trời Nam, với khuôn viên rộng hơn 13.000 m2. Biệt điện gắn với giai đoạn biến động của lịch sử, từng bị lãng quên dù có lối kiến trúc xa hoa.
Sau nhiều lần chuyển giao các đơn vị quản lý, biệt điện có dấu hiệu xuống cấp. Đến năm 2024, biệt điện không chỉ là nơi bảo tồn giá trị di sản, kiến trúc của cụm công trình mà còn thu hút, đặc biệt là giới trẻ với những khu vực hoàn toàn mới như Khu vườn ký ức, Con đường áo dài, Bảo tàng cao nguyên... Đặc biệt khu vườn Madame Nhu, từng nổi danh với tên gọi Vườn Nhật Bản, có nhiều chi tiết lịch sử.
Không chỉ mang lại giá trị kiến trúc và di sản, Madame de Dalat đặc biệt tạo dấu ấn với Những đường chim bay - vở kịch thực cảnh đầu tiên ở Đà Lạt.
Với cam kết "Hãy cho chúng tôi 60 phút, chúng tôi trả lại cho bạn 130 năm", vở diễn mang lại di sản, giai thoại của thành phố Đà Lạt trong gần hai thế kỷ. Vở diễn đánh thức cao nguyên Lâm Viên thông qua những câu chuyện tình gắn với địa danh nổi tiếng ở Đà Lạt như Hồ Than Thở, Đồi thông hai mộ, chuyện tình của Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu, Lê Uyên - Phương, Lang - Biang...
Sự góp mặt của vở thực cảnh cùng công trình trong khuôn viên Madame de Dalat được kỳ vọng biến Đà Lạt thành điểm du lịch đặc sắc.
Ngày 14/1, hơn 1.000 giáo viên, học sinh của THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM đến Đà Lạt tham quan biệt điện. Khách mời đặc biệt ấn tượng với hành trình 130 năm của Đà Lạt sau 60 phút của show thực cảnh diễn ra tại một trong bốn kiến trúc nổi bật của thành phố Đà Lạt.
Tháng 12/2024, trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10, UBND TP Đà Lạt đặt hàng kịch thực cảnh tại Madame de Dalat, biểu diễn trước 150 học giả, nhà khoa học trong nước và thế giới tham dự Hội thảo Khoa học Quốc tế thường niên Engaging With Vietnam lần thứ 15.
Sau khi xem xong vở kịch thực cảnh, chuyên gia quốc tế bày tỏ thích thú. Ở góc độ nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Phó giáo sư - tiến sĩ Liam C. Kelley, nhà đồng sáng lập, tổ chức và điều hành chuỗi hội thảo khoa học Engaging With Vietnam - cho biết sân khấu thực cảnh được dẫn dắt xuyên suốt bằng tiếng Việt vẫn chạm được vào khách nước ngoài như ông.
"Khi xem đến đoạn nhân vật trong trang phục thập niên 1930-1940 khiêu vũ trên ban công biệt thự, bất kỳ khán giả nào cũng tò mò câu chuyện bí ẩn gì từng diễn ra đằng sau khung cửa sổ. Tôi đã tham quan Madame de Dalat vào ban ngày, nhưng khi trở lại, tại không gian này vào buổi tối để xem chương trình thực cảnh, cảm xúc và sự hiếu kỳ nhân lên gấp bội. Đây là điểm thu hút khách du lịch thông qua ngôn ngữ sân khấu", Tiến sĩ Liam nhận định.