Thoạt nhìn, bóng đá và golf dường như ít liên quan. Trong khi bóng đá tôn vinh những đôi chân ma thuật thì golf cần đến sự tinh tế của đôi tay. Tuy nhiên, danh thủ Hồng Sơn, người 2 lần đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam và được châu Á vinh danh là Cầu thủ xuất sắc nhất tháng 8/1998, đã cho thấy anh có thể xuất sắc cả hai, không những là huyền thoại bóng đá mà còn được biết đến là một golfer cừ khôi.
Thật ra, Hồng Sơn chơi gì cũng giỏi. Trong bản thảo cuốn tự truyện của anh do nhà báo Bảo Thắng chắp bút, có đoạn: “Ngoài bóng đá, Hồng Sơn “oánh” golf khiến nhiều người nể, vụt tennis cũng khó ai hơn. Rồi cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn, kể cả bi-a, cứ cái gì liên quan đến hình tròn là Hồng Sơn đều xuất sắc hơn người”.
Theo lý giải của danh thủ Hồng Sơn trong cuộc phỏng vấn với Tiền Phong, đó là vì “thời còn thi đấu, những môn phối hợp vận động như bơi lội, bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn… thường được lồng ghép vào các bài tập để vận động toàn diện. Ngoài ra, cầu thủ nếu cảm thấy phù hợp với môn chơi nào đó đều được khuyến khích, vừa có thể giữ thể lực vừa thư giãn, giúp cân bằng tâm trí”.
Riêng golf, anh bắt đầu bén duyên từ năm 2011. “Bắt nguồn từ CLB tennis, khi một số bạn chơi có vấn đề với đầu gối và chuyển sang golf. Từ những câu chuyện của họ, cùng với sự thúc đẩy của các mối quan hệ đối tác, mình bắt đầu làm quen với golf và nghiện lúc nào không hay”, cựu tiền vệ của CLB Thể Công và ĐT Việt Nam cho biết.
Hồng Sơn nói rằng “điểm chung giữa bóng đá và golf là cả hai đều cố gắng đưa quả bóng vào mục tiêu”. Tuy nhiên, “golf đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và bền bỉ, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ cả cơ thể, từ việc trụ chắc đến chuyển động hông, vai, tay sao cho nhịp nhàng. Chưa kể quả bóng thì nhỏ, mặt tiếp xúc của gậy cũng không lớn. Để có một cú đánh hoàn hảo, đưa quả bóng tới đúng vị trí như ý muốn thực sự là một công việc khó khăn”.
Mặc dù nổi tiếng với sự điềm tĩnh trên sân cỏ, bàn thắng vào lưới Thái Lan trong chiến thắng 3-0 tại Mỹ Đình ở Tiger Cup 1998 là một ví dụ điển hình, nhưng Hồng Sơn nói rằng “golf đòi hỏi sự điềm tĩnh ở một cấp độ còn cao hơn”.
Anh chia sẻ thêm: “Ngoài ra, golf là môn thể thao mà bạn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Một mình bạn phải đương đầu với nhiều thử thách, các cạm bẫy địa hình, mặt cỏ… tất cả tạo nên những chông gai để tới được lỗ. Còn bóng đá mang tính tập thể và có sự giúp sức của các đồng đội, sau đó đương đầu với trở ngại lớn nhất là đối thủ. Nếu như chúng ta nỗ lực hết mình để đưa bóng vào lưới thì họ cũng làm mọi cách ngăn điều đó xảy ra. Đây chính là khác biệt lớn nhất, nhưng đồng thời mang đến trải nghiệm khác biệt và lôi cuốn”.
Như bây giờ, anh vẫn nhớ mãi “cú eagle đầu tiên trên sân Chí Linh ở hố par 4”. “Đánh xong cú driver khoảng cách còn 160 yard gì đó, mình lấy gậy sắt và quất một cú thật mạnh, đưa bóng đi thẳng vào lỗ. Thời gian đó handicap của mình khoảng 25, 26 gì đó. Một cú đánh đầy may mắn”, golfer hiện có điểm handicap 10.8 kể.
“Một cú khác, bóng rơi vào một viên đá. Cú chip sau đó, thay vì đưa bóng lên green như mình nghĩ, lại lăn một vòng ngộ nghĩnh và đi vào vị trí sâu hơn. Tuy nhiên, mình đã thành công ở cú đánh tiếp theo, mang lại một cảm giác sung sướng thực sự”, anh nói.
Năm 2017, Hồng Sơn được chọn là Đại sứ của giải Tiền Phong Golf Championship. Anh đang rất háo hức trở lại giải đấu gây quỹ cho tài năng trẻ Việt Nam, trong khi sân Đồng Mô cũng là một trong những sân golf yêu thích của anh. Ngoài hố số 8 par 3 đầy thách thức, danh thủ Hồng Sơn cũng ấn tượng với hố 19, nơi mang đến “trải nghiệm rất phiêu linh” sau khi hoàn thành 18 hố trước đó.