Đằng sau việc đóng cửa Agel Việt Nam

TP - Một Cty kinh doanh bán hàng đa cấp, với hệ thống hơn 3 vạn thành viên, trong đó có khá nhiều thành viên là nhà báo, giáo viên, công chức bỗng chốc tiêu tan. Sự đổ vỡ này đang gây hiệu ứng mạnh tới loại hình kinh doanh đa cấp ở Việt Nam.
Vợ chồng bà Hoàng Hải Yến, từng được Agel thưởng ô tô năm 2010, do phát triển nhanh hệ thống bán hàng đa cấp tại Việt Nam. ẢNH: CTV

> Trắng tay vì bán hàng đa cấp

Vợ chồng bà Hoàng Hải Yến, từng được Agel thưởng ô tô năm 2010, do phát triển nhanh hệ thống bán hàng đa cấp tại Việt Nam. ẢNH: CTV.
 

Kiếm tiền tỷ

Được thành lập từ năm 2008, Cty TNHH Agel Việt Nam, do bà Hoàng Hải Yến làm giám đốc, lập tức trở thành cái tên khá hot trên thị trường phân phối thực phẩm chức năng tại Việt Nam. Chỉ sau 3 năm hoạt động, số thành viên của hệ thống bán hàng đa cấp này đã lên tới hơn 3 vạn người.

Người viết bài này từng được mời tham gia một cuộc hội thảo do hệ thống của Agel Việt Nam tổ chức tại khách sạn Khăn Quàng Đỏ (Hà Nội) tháng 9-2010. Ở đó có đủ các thành phần từ các nhà báo, bác sỹ, giáo viên, tiến sĩ, cán bộ công an đến những nông dân ở tận Phú Thọ, Lào Cai, Hà Tĩnh... đến tham dự.

Thời điểm đó, thực phẩm chức năng của Agel (Mỹ) được đánh giá chất lượng khá tốt. Nhiều người bị bệnh xương khớp, gút, tim mạch... dùng có hiệu quả. Đáng lưu ý, tại nhiều buổi hội thảo, GS-TS Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, với tư cách cố vấn chuyên môn cho Agel có những đánh giá cao về chất lượng của loại thực phẩm chức năng này trong việc bồi bổ sức khỏe, thải độc trong cơ thể và hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh, thậm chí cả bệnh nan y.

Những yếu tố đó, cộng với mức lợi nhuận cao, khiến số người tham gia (phần lớn là dân công chức, trí thức đô thị) gia tăng từng ngày. Về nguyên tắc, người tiêu dùng muốn mua sản phẩm Agel sử dụng, buộc phải đăng ký một mã số (nếu không có mã số sẽ phải mua sản phẩm giá đắt hơn 30%).

Theo đó, muốn trở thành thành viên của hệ thống, người tiêu dùng phải mua một trong ba gói sản phẩm, gắn với ba quyền lợi được hưởng khác nhau: Muốn được hưởng 10 quyền lợi (thưởng nhanh, 10% chân yếu; hưởng phần trăm tăng trưởng của hệ thống, du lịch, quỹ thưởng xe hơi...) thì phải mua 12 hộp sản phẩm, với tổng số tiền khoảng trên dưới 20 triệu đồng; còn nếu mua 4 hộp thì chỉ được hưởng 6/10 quyền lợi và nếu mua 1 hộp sản phẩm, chỉ được hưởng 4/10 quyền lợi.

Ví dụ, khi bạn là thành viên mua tới 12 hộp sản phẩm, nếu mời được 1 thành viên khác mua 12 hộp sản phẩm, thì ngay lập tức bạn được chiết khấu hoa hồng (thưởng nhanh) 100 USD, cộng với việc được tích các điểm số để đến một ngưỡng nào đó, bạn sẽ được lên vị trí (Director, Senior Director, Diamond). Do tỷ lệ chiết khấu hoa hồng hấp dẫn như vậy, nên người nào càng mời được nhiều người tham gia vào hệ thống của mình, thì lên vị trí càng nhanh, gắn với việc được hưởng thù lao rất cao.

Một Senior Director, sau 2 năm phát triển hệ thống đã có khoảng 8.000 thành viên dưới chân mình, cho biết anh có thu nhập hằng tháng (cộng từ 10 quyền lợi) trung bình 100 triệu đồng.

Năm 2010, Cty Agel Việt Nam công bố, vợ chồng bà Hoàng Hải Yến, đứng đầu hệ thống khoảng 2 vạn thành viên, có thu nhập tới 14 tỷ đồng. Trong khi đó, các thành viên lại được thừa kế hệ thống kinh doanh đa cấp này cho các đời sau. Bởi thế, có khá nhiều doanh nhân bỏ cả doanh nghiệp chuyển sang bán hàng đa cấp cho Agel.

Chị N.H.T, một Senior Director, bỏ cả doanh nghiệp chuyên về truyền thông, sang làm cho Agel. Chỉ trong một năm, chị đã phát triển được nhiều ngàn thành viên, có thu nhập gần 800 triệu đồng năm 2010. Còn một giáo viên dạy Văn khá nổi tiếng tại một trường THPT ở Hà Nội, chỉ tham gia làm thêm cũng thu nhập vài chục triệu đồng/tháng. Có tháng cao điểm, doanh thu bán hàng của Agel Việt Nam lên tới 2 triệu USD.

Vì sao đóng cửa?

Cách đây ba tuần, Agel tại Mỹ có thông báo chính thức đóng cửa thị trường tại Việt Nam. Lý do đóng cửa cũng không được thông báo rõ ràng. Tuy nhiên, từ tháng 3-2011, Cty Agel Việt Nam đã chủ động đóng cửa trước. Điều này, ảnh hưởng tới hơn 3 vạn thành viên.

Chúng tôi liên lạc với bà Hoàng Hải Yến, nhưng không được. Ông Trần Anh Thư, chồng bà Yến, cũng là thành viên của Agel Việt Nam, đứng ra trả lời thay. Theo ông Thư, lý do chính khiến Agel Việt Nam đóng cửa là do Cty làm ăn thua lỗ, cộng với việc Agel toàn cầu có thay đổi về nhân sự và chủ sở hữu, nên họ tái cấu trúc lại thị trường.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chính là do công tác quản lý yếu, dẫn tới hiện tượng đầu cơ. Một Senior Director cho biết, có người đầu tư tiền tỷ mở hàng loạt mã số để nhanh chóng được lên vị trí, mong kiếm được nhiều hoa hồng. Sau đó, ôm hàng về bán phá giá thị trường...

Ngoài ra, khi Agel toàn cầu muốn thay Cty Agel Việt Nam bằng pháp nhân khác 100% vốn nước ngoài, thì bà Yến đòi họ phải trả 180.000 USD, gọi là công chi phí xây dựng thị trường tại Việt Nam, nhưng họ không đồng ý. Từ đó, mối quan hệ giữa lãnh đạo Cty Agel Việt Nam và Agel toàn cầu không tốt. Vì thế, khiến Agel toàn cầu có cái nhìn không thiện chí với thị trường Việt Nam.

“Đoán biết Agel toàn cầu sẽ rút lui, nên lãnh đạo Cty đã chủ động bán tháo hàng còn lại trong kho, cho đóng cửa Cty, bán tài sản rồi lặn mất tăm luôn. Họ cũng không hề làm thủ tục thông báo tới các thành viên, cũng không trình báo cơ quan chức năng, theo quy định”, Senior trên nói.

Hậu quả, ai chịu?

Trong hệ thống bán hàng đa cấp với hơn 3 vạn thành viên của Agel Việt Nam, chia theo hai nhánh chính. Một nhánh do vợ chồng bà Hoàng Hải Yến đứng đầu, chiếm 2/3 số thành viên. Phần còn lại là chân rết của bà Chu Thị Mỹ Hương. Hiện tại, những mắc mớ về tài chính, chủ yếu liên quan nhánh của bà Hương.

Theo con số bà Hương công bố, hiện Cty Agel Việt Nam còn nợ của các thành viên khoảng trên 2.000 hộp sản phẩm (các thành viên đã nộp tiền nhưng chưa được nhận hàng), tương đương trị giá khoảng 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn hoa hồng tháng 2-2011, khoảng vài chục ngàn USD. Một Senior cho biết, trong hệ thống 8.000 thành viên mà anh đứng đầu, Cty còn nợ khoảng hơn 1.000 hộp sản phẩm và khoảng 20.000 USD tiền hoa hồng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Anh Thư nói: “Hiện chúng tôi đang thống kê số hộp sản phẩm, hoa hồng mà Cty còn nợ để giải quyết, nhưng con số ảo rất nhiều. Thực tế, chỉ còn nợ dưới 2.000 hộp. Còn tiền hoa hồng không đáng kể. Vì, thông thường hoa hồng tháng nào trả luôn tháng đó, nên còn rất ít. Còn hướng giải quyết, phải theo luật thôi”.

Ông Thư cho biết: “Hiện trong tài khoản Cty còn hơn 1,3 tỷ. Vợ tôi chiếm 10% vốn điều lệ Cty (tổng số 3 tỷ đồng) thì chúng tôi chỉ bỏ ra 300 triệu. Còn lại, ông Banchar (người Thái Lan) sở hữu 90% vốn điều lệ Cty phải bỏ ra phần còn lại. Với số tiền đó, chúng tôi thừa sức giải quyết hậu quả”.

Có dấu hiệu lừa đảo

Luật sư Lê Thiên, Giám đốc Cty Luật Lê&Liên danh, cho biết, với các tình tiết như: Dừng hoạt động đột ngột không thông báo, không thanh toán hết tiền hoa hồng cho nhà phân phối, nợ hàng chưa trả lại cho nhà phân phối... và không xuất hiện để giải quyết hậu quả, đã đủ yếu tố để cấu thành tội danh lừa đảo đối với Giám đốc Agel Việt Nam.

Theo Nghị định 110, quy định về bán hàng đa cấp, điều 19 ghi rõ, công ty bán hàng đa cấp khi ngừng hoặc chấm dứt hoạt động phải thông báo với các sở chức năng tại địa bàn, đồng thời phải thông báo công khai ở trụ sở chính và cho những người tham gia biết trong thời hạn 30 ngày làm việc.

Ngoài ra, phải thanh lý hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với người tham gia trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động.

Theo Báo giấy