Chiều 11/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Quan tâm động viên, khích lệ tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên, người lao động Dầu khí với những kết quả PVN đã đạt được trong năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi lẵng hoa chúc mừng tới hội nghị.
Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019.
Báo cáo nêu rõ, năm 2018, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện, các sản phẩm chủ lực của Tập đoàn phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu, hàng loạt các vụ việc yếu kém đang được các cơ quan thẩm quyền xử lý… Song với ý thức đầy đủ về trách nhiệm là Tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước, Tập đoàn nhận định, kết quả hoạt động của Tập đoàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia và nguồn thu ngân sách nhà nước. Với tinh thần đó, tập thể lãnh đạo và CBCNV trong Tập đoàn đã giữ vững niềm tin, bình tĩnh vượt khó, chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ kế hoạch nhà nước giao. Sản lượng khai thác dầu thô trong nước vượt 675 ngàn tấn so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm, đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước đạt 7,08%; tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2018 đạt 626,8 ngàn tỷ đồng, vượt 96 ngàn tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm, tăng 26% so với năm 2017. Đặc biệt, nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN năm 2018 đạt 121,3 ngàn tỷ đồng, vượt 47,5 ngàn tỷ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24% so với năm 2017, đã góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách trung ương năm 2018; tổng lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 47,1 ngàn tỷ đồng (kế hoạch 19,1 ngàn tỷ đồng), vượt gấp 2,5 lần kế hoạch năm, tăng 23% so với năm 2017...
Cũng trong năm 2018, Tập đoàn đã tập trung huy động mọi nguồn lực để xử lý 5 dự án yếu kém, khó khăn theo đúng đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã đưa 6 dây chuyền của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vào hoạt động trở lại (03 dây chuyền sợi vào hoạt động từ 20/4/2018, 3 dây chuyền sợi tiếp theo vào hoạt động từ ngày 1/11/2018); tiếp tục huy động toàn bộ nguồn lực của Tập đoàn với quyết tâm cao nhất, giải pháp thiết thực nhất để đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1. Công tác chuyển đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp Tập đoàn đang triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo…
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cũng chỉ rõ một số khó khăn, tồn tại không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của Tập đoàn trong năm 2018 mà còn ảnh hưởng đến phát triển bền vững của Tập đoàn trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Đó là tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp đã có tác động nặng nề đến công tác tìm kiếm thăm dò và phát triển chung của Tập đoàn; nguồn vốn để thực hiện công tác tìm kiếm thăm dò gặp khó khăn do cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Tìm kiếm thăm dò dầu khí; hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện tại đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên và số lượng giếng khoan mới rất ít nên hệ số suy giảm sản lượng hàng năm tùy theo mỏ khoảng từ 15% tới trên 30%; các phát hiện dầu khí trong giai đoạn gần đây phần lớn có trữ lượng nhỏ, do giá dầu thấp nên hiệu quả kinh tế không cao; các đơn vị dịch vụ dầu khí gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng công việc và giá dịch vụ giảm sâu trong 3 năm vừa qua và thường xuyên ở trong tình trạng thiếu việc làm (PTSC, PVD, DMC…)…; một số kiến nghị quan trọng của Tập đoàn hiện vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết…
Tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới lãnh đạo, CBCNV, người lao động ngành Dầu khí qua các thời kỳ lời chúc tốt đẹp nhất; chúc mừng những kết quả tốt đẹp mà PVN đã đạt được trong năm qua. Thủ tướng nêu rõ: PVN là doanh nghiệp “anh cả” trong các Tập đoàn kinh tế nhà nước, không chỉ nhiều năm trước đây, hiện nay và tiếp tục trong tương lai. Không chỉ đơn thuần là nộp ngân sách Nhà nước rất lớn, ngành Dầu khí còn có vai trò quan trọng trong đối ngoại, quốc phòng, an ninh. Các sản phẩm dầu khí phục vụ nhiều mặt đời sống góp phần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, các đồng chí đã rất ý chí, quyết tâm cao để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018.
Nhấn mạnh về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm qua, niềm tin của người dân, DN đối với Chính phủ ngày càng được nhân lên, Thủ tướng khẳng định, trong thành tích chung đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Dầu khí.
Biểu dương, chúc mừng cán bộ, công nhân viên, người lao động đã hành động với phương châm đoàn kết, đổi mới, kết quả quan trọng này tạo điều kiện vững chắc để phát triển bền vững tập đoàn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội bởi dầu khí đóng vai trò then chốt, Thủ tướng cho rằng “xã hội sẽ có cái nhìn đúng đắn về sự đóng góp của PVN”.
Nêu rõ ngành Dầu khí đang có một cơ ngơi trên 10 tỷ USD; đã xây dựng được một đội ngũ người làm dầu khí hùng hậu, có trình độ cao, Thủ tướng khẳng định “Những đóng góp của ngành dầu khí vẫn luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và tôn vinh, xứng đáng là đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới”.
Chúng ta thấy ở đâu có dầu khí, ở đó có khởi sắc. Và ngành Dầu khí Việt Nam sau bước thăng trầm, “tôi yêu cầu phải trở lại là động lực phát triển; phải tiếp tục là tập đoàn kinh tế hùng mạnh hàng đầu của đất nước, sánh vai với các tập đoàn kinh tế các nước trong khu vực và trên thế giới. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải tiếp tục khẳng định tính chiến lược của ngành Dầu khí Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc”, Thủ tướng nêu rõ.
Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của ngành Dầu khí và để vượt qua những khó khăn, thách thức này, trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu PVN cần huy động mọi nguồn lực, tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy các dự án hoạt động hiệu quả, cải thiện điều kiện tài chính, tháo gỡ những tồn tại nhằm phát huy tốt những kết quả đạt được trong năm 2017, 2018, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh Chính phủ giao.
Chính phủ đã trình Trung ương trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng ở mức độ cao; tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên tới 33 – 34%; xuất khẩu tăng bình quân 7 – 8%... Mà chúng ta biết quy mô của nền kinh tế nước ta hiện ở trên 5,5 triệu tỷ. “Tôi nói điều đó để khẳng định đất nước cần có sự đóng góp của các Tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó đặc biệt là Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo, các cấp ủy đảng, toàn thể người lao động dầu khí tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt qua thách thức, gia sức phấn đấu thực hiện vượt mức các chỉ tiêu được giao phó.
Để hoàn thành được những mục tiêu trên, Thủ tướng đề nghị PVN tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí, đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36 Trung ương 8 khóa XII; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp; thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình thực tế, tiến độ giải ngân các dự án, đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch, xây dựng, củng cố mở rộng quan hệ với các ngân hàng trong nước, khu vực và trên thế giới để có thuận lợi trong công tác thu xếp vốn…; bám sát tình hình biển Đông, triển khai các dự án đầu tư khu vực truyền thống, khu vực xa bờ trên thềm lục địa Việt Nam, tập trung chỉ đạo lấy lại tiến độ các dự án trọng điểm đã và đang bị chậm so với yêu cầu.
“Thủ tướng trực tiếp làm việc với các đồng chí nhiều lần và cam kết với các đồng chí là sẽ trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ. Các vấn đề trọng điểm tôi cam kết sẽ xắn tay áo với các đồng chí, tháo gỡ các khó khăn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, PVN cần làm tốt hơn nữa thông tin dự báo làm cơ sở định hướng cho việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp; hoàn thiện hiệu quả chuỗi giá trị dầu khí; tiếp tục tổ chức, đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, công nhân viên kỹ thuật hiện có, bổ sung đào tạo các khâu còn thiếu, còn yếu; bảo đảm phát triển bền vững, tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường; chủ động bảo vệ thăm dò, khai thác trong quá trình này, tiếp tục phối hợp tốt với các đơn vị khác để sản xuất an toàn; coi trọng công tác xây dựng Đảng trong nội bộ…
Về những kiến nghị của PVN, Thủ tướng cho biết Bộ Chính trị đã xem xét, cho ý kiến và sẽ chỉ đạo thực hiện sớm.
Thay mặt tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, người lao động dầu khí, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV PVN đã bày tỏ sự biết ơn chân thành tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Chính phủ đối với ngành Dầu khí; đồng thời nhấn mạnh, tại lễ tổng kết công tác năm 2018, lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương, sự góp mặt của các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn qua các thời kỳ chính là sự ghi nhận cho những kết quả mà PVN đã đạt được thời gian qua, và là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với hơn 60 ngàn người lao động dầu khí.
Lĩnh hội, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, thay mặt cho cán bộ, đảng viên, người lao động Dầu khí, đồng chí Trần Sỹ Thanh hứa với Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục đoàn kết, xây dựng niềm tin, khát vọng, hoàn thành tốt nhiệm vụ 2019, tạo đà vững vàng cho những năm tiếp theo, nối tiếp truyền thống hào hùng của ngành Dầu khí xây dựng trong những năm qua.