Đáng ngại khi bị trào ngược dạ dày-thực quản

Đó là lúc dịch vị dạ dày huênh hoang thoát khỏi “vùng tăm tối” để chu du lên vùng miệng và gây nên những hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe của bạn.
Ảnh minh họa: Internet

Ths, BS. Nguyễn Bạch Đằng (Học viện Quân y) kể có một câu chuyện khá hài hước đã xảy ra ở phòng khám của ông. Một bệnh nhân nữ khoảng 45 tuổi ăn mặc khá điệu đà vừa bước vào phòng khám đã than với tôi một cách hồn nhiên rằng: “Mỗi lần phải đối diện với con người đáng ghét đó là tôi thấy ợ hơi nóng lên cổ, hắn to như một Sumo nhưng luôn có ý dè bỉu các số đo của tôi. Khi hắn chuyển sang công ty khác, tuy tôi không tiếp xúc nữa nhưng tình trạng này vẫn không hết. Có lẽ hắn ám ảnh tôi thành bệnh nên tôi phải đến gặp bác sĩ hôm nay”.

Sau chừng 1 phút ngạc nhiên vì cách “khai bệnh” quá lạ của chị ta, tôi bắt đầu quan sát và nhanh chóng phát hiện ra một trong những nguyên nhân có thể làm chị ta bị bệnh. Chị đang mang nịt lưng và nịt ngực quá chặt so với vòng bụng. Sao khi thăm khám kỹ lưỡng hơn tôi đã có câu trả lời chắc chắn: nguyên nhân gây bệnh chính là thói quen mang thắt lưng của chị ấy.

Sự thật thì nịt lưng, nịt ngực không phải thủ phạm duy nhất gây nên chứng trào ngược dạ dày này, nhưng nó lại là một trong những nguyên nhân “trời ơi” nhất có thể gây nên bệnh mà bản thân mọi người không hề để ý. Khi bạn dùng chúng quá chặt sẽ làm tăng áp lực xoang bụng và dẫn tới cơ thắt dưới thực quản hoạt động không tốt.

Có rất nhiều lý do trời ơi cũng khiến bạn bị trào ngược dạ dày thực quản. (Ảnh minh họa)

Hiểu đúng về trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là một vấn đề khá phổ biến, đó là hiện tượng dịch vị từ dạ dày bị trào ngược lên thực quản, có khi lên tận miệng. Bình thường chúng ta có thể gặp hiện tượng này và nó là tình trạng sinh lý thoáng qua không có hệ quả gì.

Nhưng hiện tượng này diễn ra thường xuyên sẽ khiến bạn thấy khó chịu, mệt mỏi. Tuy nhiên để xác định nó là bệnh lý hay hiện tượng sinh lý bình thường thì thật sự không đơn giản. Rất nhiều người xuất hiện thường xuyên hiện tượng này nhưng sự trào ngược không lên đến miệng thì hay bỏ qua đến khi có những tổn thương thực quản mới biết.

Nguyên nhân của bệnh này chủ yếu là do hoạt động của cơ thắt dưới thực quản không tốt. Bình thường, nó chỉ giãn mở khi nuốt, còn bình thường nó sẽ đóng kín để dịch vị dạ dày không trào ngược lên với mục đích nhằm ngăn chặn sự tấn công của dịch vị với niêm mạc thực quản. Song có những lúc trương lực cơ giảm sút dẫn tới việc mở cơ thắt dưới thực quản không đúng lúc.

Sự rối loạn này được hình thành bởi nhiều yếu tố:

- Rối loạn nhu động thực quản

- Giảm tiết nước bọt do hút thuốc lá uống rượu...

- Thoái vị hoành

- Giảm áp lực cơ thắt dưới thực quản vì nịt lưng, nịt ngực quá chật; dùng thuốc có secretin, cholécystokinine, glucagon; ăn nhiều mỡ hay sôcôla

Khi dịch vị dạ dày bị trào ngược lên sẽ tấn công niêm mạc thực quản làm chúng tổn thương dẫn tới viêm thực quản với hệ lụy lở loét teo hẹp thực quản. Lở loét này có thể làm xuất huyết thực quản. Tình trạng viêm kéo dài thì dẫn tới xơ hóa có thể làm chúng bị co rút, làm ngắn niêm mạc thực quản và niêm mạc dạ dày lại dài ra gây nguy cơ ung thư hóa ở phẩn chuyển tiếp giữa hai vùng niêm mạc.

Ở một số ít bệnh nhân thì sẽ hay gặp phải biến chứng viêm thanh quản, viêm họng. Những người hay bị trào ngược vào ban đêm thì có nguy cơ gặp biến chứng viêm phổi do hít phải dịch vị.

Tình trạng viêm dạ dày thực quản kéo dài thì dẫn tới xơ hóa có thể gây nguy cơ ung thư hóa. (Ảnh minh họa)

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào phản ứng với thuốc khi bệnh nhân có triệu chứng. Một số khác sẽ được phát hiện qua nội soi. Tuy nhiên để có thể đi khám bệnh sớm bạn nên chú ý tới một số triệu chứng điển hình:

Ợ chua, ợ hơi: Cảm giác nóng rát lan từ thượng vị tới xương ức hoặc lên tận họng. Nếu bệnh tiến triển thì có tình trạng ợ hơi nóng vị chua nhất là sau bữa ăn hoặc khi ở tư thế cúi. Một số bệnh nhân thường thấy triệu chứng này khi ngủ nhất là khi có cơn ho.

Đầy bụng mau no: Khi cơ thắt dưới thực quản bị rối loạn hoạt động thì lực đẩy hơi từ dạ dày lên nhiều khiến người ta có thể no giả cảm giác trướng bụng.

Trớ: Khi thay đổi tư thế dịch vị trào lên và có thể bị trớ ra miệng lẫn thức ăn.

Ngoài những triệu chứng trên thì ở một số bệnh nhân có những biểu hiện không điển hình như hay bị đau ngực, đau vùng thượng vị, dễ có cảm giác buồn nôn, ho hen mạn tính... 

Bệnh này điều trị không khó nhưng rất dễ tái phát. Hiện có 2 phương pháp điều trị chính:

Điều trị nội khoa: Bác sĩ sẽ dùng thuốc ức chế bơm proton để chống tiết acid. Đây là phương pháp điệu trị đang phổ biến và đạt thành công nhất. Thông thường, 80% bệnh nhân đáp ứng với điều trị nội khoa. Nhưng lưu ý trong điều trị nội khoa ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân cần chú ý tới chế độ ăn uống và trang phục nhằm hạn chế tối đa việc rối loạn cơ thắt dưới thực quản. Do đó bạn nên:

- Hạn chế tối đa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê, sôcôla, nước có gas

- Không ăn quá no

- Không mặc áo nịt ngực hay thắt bụng quá chật.

Phẫu thuật: Đây là phương pháp thường được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị nội khoa ở trên. Các bác sĩ có thể tạo nếp gấp đáy vị hoặc nong thực quản để ngăn chặn tình trạng mở cơ thắt dưới thực quản không đúng lúc.

Nhìn chung các phương pháp điều trị bệnh không quá khó khăn nhưng điều đáng lo ngại của GERD là rất dễ tái phát. Do đó bệnh nhân phải tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, sau khi dứt thuốc vẫn phải tham gia điều trị chống tấn công trở lại.

Theo Theo SKGĐ