Đặng Đình Tiến: Đánh khắp châu Á không địch thủ

Ở nội dung carom 1 băng, có cảm giác như mỗi khi Đặng Đình Tiến cầm cơ thì đối thủ của ông hầu như chỉ biết ngồi nhìn ông gom hết điểm này đến điểm khác, cho đến lúc trận đấu kết thúc.

Đặng Đình Tiến: Đánh khắp châu Á không địch thủ

> TTVN dự giải World Games lần thứ 9-2013
> Việt Nam dự giải carom 3 băng vô địch đồng đội thế giới

Cơ thủ "đánh khắp châu Á không địch thủ" Đặng Đình Tiến.

Ở tuổi 53, Đặng Đình Tiến là một trong những VĐV già nhất của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự SEA Games 27. Tuy nhiên, đúng như câu 'gừng càng gia càng cay', cơ thủ ở môn Billiards & Snooker này là một trong những niềm hy vọng vàng sáng nhất của đoàn. 

Thành công đến muộn

Không sớm nổi danh như những người đồng nghiệp Dương Hoàng Anh hay Trần Đình Hòa, tay cơ Đặng Đình Tiến được người hâm mộ biết đến muộn hơn.

Cách nay 5 năm, khi đã 48 tuổi, Đặng Đình Tiến mới vô địch quốc gia (VĐQG) lần đầu tiên ở nội dung carom. Thế nhưng, sau thành công ấy ông lập tức chinh phục đỉnh cao châu Á bằng hàng loạt chiến tích ấn tượng khác.

Năm 2009 là năm đại cát đối với cơ thủ lão làng này. Năm ấy Đặng Đình Tiến thâu mọi danh hiệu cao quý mà một cơ thủ Việt Nam có thể vươn tới từ VĐQG, vô địch SEA Games, vô địch châu Á và đoạt HCV Đại hội thể thao trong nhà châu Á trong cùng 1 năm.

Thành công vang dội ấy khiến nhiều người còn tưởng Đặng Đình Tiến là cơ thủ “đánh khắp châu Á không địch thủ” khi hầu hết các tay cơ mạnh nhất châu Á thời điểm ấy đều thua dễ mỗi khi đối đầu với ông.

Ở nội dung carom 1 băng, có cảm giác như mỗi khi Đặng Đình Tiến cầm cơ thì đối thủ của ông hầu như chỉ biết ngồi nhìn ông gom hết điểm này đến điểm khác, cho đến lúc trận đấu kết thúc.

Điểm mạnh khác ở một cơ thủ lão làng như Đặng Đình Tiến là ông có bản lĩnh thi đấu, cùng thần kinh rất vững vàng. Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với một môn thể thao có tính đối kháng trực tiếp như Billiards & Snooker.

Có điều hay là khi bước vào các trận đấu đỉnh cao, ở những thời khắc quyết định, Đặng Đình Tiến luôn thể hiện sự tỉnh táo, thậm chí còn chơi hay hơn. Chính tâm lý quá vững vàng ấy của Đặng Đình Tiến càng khiến cho đối thủ thêm “khớp” khi nhìn thấy vẻ lạnh lùng trong từng đường cơ của ông.

Gác lại chuyện kinh doanh để tập trung đánh giải

Khoảng 1 tháng trước khi cùng đội tuyển Billiards & Snooker Việt Nam sang Myanmar dự SEA Games 27, Đặng Đình Tiến quyết định đóng cửa cơ sở kinh doanh Billards của mình, để tập trung vào việc tập luyện.

Có lẽ cũng ít ai dám hy sinh công việc kinh doanh để theo đuổi đam mê kiểu như ông Tiến, bởi một tháng không hoạt động cũng đồng nghĩa với việc bản thân ông sẽ mất khoản thủ không nhỏ.

Ông Tiến cho biết khoảng thời gian sau này, phong độ của ông có vẻ sa sút nên cần phải có sự chuẩn bị nghiêm túc hơn cho sân chơi SEA Games 27. Kì đại hội khu vực Đông Nam Á lần này ông nhận định có thể sẽ là lần cuối cùng ông tham dự, trước khi “gác kiếm thoái ẩn”.

Câu chuyện trên cho thấy khát khao hiếm thấy nơi một cơ thủ, một VĐV hầu như đã có tất cả các danh hiệu lớn mà bất cứ cơ thủ nào cũng mơ ước. Dù thành công rực rỡ trong quá khứ, dù đã đứng trên bục cao nhất của các đấu trường rất lớn như vô địch châu Á, HCV Asiad, nhưng với ông Tiến, mỗi kỳ SEA Games vẫn mang ý nghĩa đặc biệt, vì đấy là việc chứng tỏ cho cả Đông Nam Á thấy rằng Billiards Việt Nam vẫn là số 1 ở nội dung carom.

Cũng ít người biết rằng, với các VĐV Billiards & Snooker, giai đoạn tập luyện cao điểm cũng là giai đoạn mà họ không dám làm việc nặng, bởi dùng sức quá nhiều trong các công việc nặng có thể làm căng cứng các cơ ngón tay, khiến cho động tác cầm cơ trên bàn Billiards không còn uyển chuyển.

Cho nên sự hi sinh lại càng nhiều, bởi khi ấy cuộc sống gia đình phải nhờ tới bàn tay "hậu phương" gánh vác. Và có lẽ Đặng Đình Tiến đã rất may mắn khi có hậu phương vững chắc để ông yên tâm cống hiến cho nhiệm vụ quốc gia, để có thể tỏa sáng có lẽ là cuối cùng trong sự nghiệp của mình.

Theo Kim Điền
Dân trí

Theo Đăng lại