Dân và chủ đầu tư choảng nhau vì phí gửi xe
Để có một chỗ đỗ ô tô, người dân phải bỏ ra số tiền ngang lương công chức. Phí gửi xe đang trở thành nỗi khiếp sợ của cư dân chung cư cao cấp Hà Nội.
Giá gửi xe cắt cổ
Trong khi thị trường bất động sản vẫn trong tình trạng ế ẩm trầm trọng thì những tranh chấp, bất ổn giữa cư dân và chủ đầu tư tại Hà Nội liên tục diễn ra khiến người ta càng thêm “khiếp sợ” chung cư.
Mang cái mác “Paris giữa lòng Hà Nội” nhưng từ khi dọn về sinh sống, chưa khi nào cư dân chung cư The Manor được ngủ yên bởi các loại phí. Cách đây 5 năm, họ phải tập trung phản đối chủ đầu tư Bitexco khi tự đưa ra mức phí dịch vụ gửi xe giá “cắt cổ” là 100 USD/tháng/ô tô và xe máy là 10 USD/tháng... Sau một thời gian dài đấu tranh, Bitexco đã buộc phải giảm giá xuống còn 104.000 đồng/tháng đối với xe máy, ôtô 875.000 đồng/tháng xe thứ nhất và 1,2 triệu đồng/tháng xe thứ hai.
Mặc dù đã đưa về mức phí khá thấp so với mặt bằng phí trông giữ xe tại nhiều khu chung cư trên địa bàn thành phố nhưng từ giữa tháng 6/2012 đến nay, cư dân lại tiếp tục phản đối, không đóng phí dịch vụ gửi xe vì cho rằng chủ đầu tư chưa chứng minh được quyền sở hữu tầng hầm, nhiều căn hộ bị chậm cấp sổ đỏ và chủ đầu tư chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư dù cư dân đã dọn về sống được 6 năm.
Keangnam (Phạm Hùng, huyện Từ Liêm, Hà Nội), chung cư thuộc hàng hiện đại, cao cấp nhất Việt Nam do Công ty Keangnam-Vina làm chủ đầu tư cũng không tránh khỏi “tai tiếng” liên quan đến phí gửi xe. Ban đầu, mức phí trông giữ ô tô, xe máy được chủ đầu áp dụng lần lượt là 1,462 triệu đồng và 104.000 đồng mỗi tháng, phí xe máy vé ngày là 10.000 đồng/xe/lượt đã vấp phải sự phản đối gay gắt của cư dân sinh sống tại đây do cao hơn nhiều lần quy định của UBND thành phố Hà Nội.
Sau một thời gian đấu tranh, đến cuối tháng 7/2011, chủ đầu tư đã buộc phải giảm hơn 1 nửa phí gửi xe máy tại Keangnam xuống còn 45.000 đồng/tháng, phí gửi ô tô là 1,25 triệu đồng/tháng.
Sau The Manor, Keangnam, cư dân chung cư cao cấp Golden Westlake lại khổ sở vì phí gửi ô tô khi bị chủ đầu tư Hà Việt Tung Shing “chém đẹp” với mức 2,5 triệu đồng/tháng. Trong khi tranh chấp sở hữu chung riêng khu vực tầng hầm giữa chủ đầu tư và cư dân vẫn chưa rõ ràng thì Sở Tài chính Hà Nội lại đồng ý cho Hà Việt Tung Shing thu mức phí gửi xe ngất ngưởng nói trên khiến cư dân bức xúc. Từ ngày 24/1 tới nay, do bị chặn lối xuống tầng hầm vì không chịu đóng phí “khủng”, hàng trăm ô tô của cư dân phơi nắng phơi mưa, nằm la liệt lối. Cư dân Golden Westlake cho hay sẽ tiếp tục đấu tranh cho tới khi đòi lại được sự công bằng.
Trên địa bàn Hà Nội, còn khá nhiều chung cư đang và đã bất ổn vì phí gửi xe như 93 Lò Đúc, NO5 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính hay 96 Định Công, Sky City 88 Láng Hạ…
Mấu chốt từ văn bản luật
Liên quan đến những bất ổn thời gian qua tại các chung cư, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên nhân chủ yếu là do văn bản pháp luật chồng chéo, mô hình quản lý nhà chung cư chưa nêu rõ giữa quyền hạn và trách nhiệm của chủ đầu tư với ban quản trị; chưa có phương pháp xác định diện tích nhà chung, riêng…Còn mâu thuẫn về quyền lợi và trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị được giao quản lý và người dân trong quản lý và sử dụng nhà chung cư. “Chúng ta mới chỉ tập trung làm sao để có được quỹ nhà mà dường như quên việc quản lý sau đầu tư, dịch vụ. Nhiều quy định quản lý đã không theo kịp tốc độ phát triển”- ông Tuấn nói.
Còn theo luật sư Bùi Quang Hưng, luật sư điều hành của Văn phòng luật sư Bùi Quang Hưng và Cộng sự, sở dĩ xảy ra tình trạng bất ổn về phí dịch vụ nói chung và phí gửi xe nói riêng tại các chung cư như hiện nay là do từ khâu hợp đồng mua bán giữa người dân và chủ đầu tư đã không được làm rõ ngay từ đầu. Khách hàng chủ yếu quan tâm đến các yếu tố khác như giá cả, chất lượng…là chính chứ không mấy người để ý đến phí dịch vụ, phí gửi xe về sau. Đến khi vào ở, thấy phí cao quá mới bắt đầu khiếu kiện, nảy sinh mâu thuẫn.
“Khi mua nhà, khách hàng nên xem xét kỹ hợp đồng, hợp đồng mua bán phải rõ ràng, rành mạch, đâu là sở hữu chung riêng…để tránh xảy ra những mâu thuẫn về sau”, luật sư Hưng nói.
Tuy nhiên, luật sư Hưng cho rằng mẫu chốt để giải quyết những bất ổn phải nằm ở văn bản pháp luật của nhà nước. “Gốc của vấn đề nằm ở mâu thuẫn sở hữu chung riêng. Vì vậy, Luật phải chỉ rõ phần nào là diện tích chung, phần nào là diện tích riêng. Những cái gì thuộc tiêu chuẩn nhà chung cư ở Việt Nam phải có như phải tính diện tích chung của người dân, có chỗ để xe thì mới được phép đầu tư xây dựng…Ví dụ, khi quy định xây dựng nhà chung cư cao 10 tầng, phải có 200 chỗ đỗ xe thì phần đỗ xe đó xe được phân bổ cho người dân, hộ nào có ô tô, để ô tô, có xe máy, để xe máy, chủ đầu tư không có quyền định đoạt vào phần diện tích đã quy định này. Ngoài 200 chỗ đỗ xe đó ra, nếu chủ đầu tư chi tiền xây thêm100 chỗ đỗ xe nữa thì 100 chỗ này thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư, muốn làm gì thì làm”, ông Hưng phân tích.
Theo Minh Tùng
Kiến Thức