Dấn thân 'làm' ...rác

TP - Xây nhà máy xử lý rác làm sạch môi trường - chuyện ai cũng mong muốn. Nhưng không phải dễ. Rủi ro nhiều phía, thậm chí phải thường trực lo cả chuyện tâm linh. Nhưng vẫn có những người dấn thân.

> Đưa nhà máy xử lý rác vào vận hành
> Dự án ba năm ngủ yên sau khởi công hoành tráng

Phân thành phẩm từ rác thải.

Bước vào gần khu nhận rác của Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau, chúng tôi ngộp thở với cái mùi rất nặng của rác thải đang phân rữa, thứ mùi cứ tự động xóc vào mũi ngay cả khi ta chẳng hít vào, mặc dù mỗi người đã được phát khẩu trang để đeo.

Trong khi đó thì ông Tô Hoài Dân - Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (chủ đầu tư) kiêm Tổng GĐ Nhà máy chả khẩu trang khẩu chiếc gì, cười hề hề nói: “Mấy anh thấy khó chịu hông? Tui thì quen rồi”.

Nhìn người đàn ông tuổi Nhâm Dần (1962) phăm phăm đi vào các khu phân loại, xử lý rác thành phân bón và nhựa mùi không lấy gì làm dễ chịu thật khó hình dung anh cũng là người đang điều hành cả dự án làm điện gió lớn nhất nước trị giá hơn bốn nghìn tỉ đồng ở Bạc Liêu và các tỉnh lân cận, lại còn thêm cả khu du lịch Khai Long, khu du lịch Đất Mũi Cà Mau.

Chỉ vào thứ bột đen đen gần như không còn mùi nữa đang từ họng chiếc máy đứng cuối dây chuyền xử lý rác dài dằng dặc chảy vào những chiếc bao tải, anh nói đó là phân hữu cơ thành phẩm từ rác thải, một loại phân rất tốt, được các đơn vị trồng cao su rất ưa dùng, nay thì nhà máy đang mở rộng bán cho cả nông dân.

“Cứ 80 tấn rác thải thì được khoảng 35 tấn phân thế này, thêm khoảng 20 - 25 tấn nhựa nữa. Còn nước thì gom về một nơi để xử lý, đảm bảo không thải bẩn ra môi trường” - anh Dân nói.

Hình dung trong đầu, rác thải = phân và nhựa tái chế cộng thêm thành phố sạch sẽ, lại không nảy sinh các vấn đề, nhiều khi thành điểm nóng xã hội do rác thừa ứ tại các điểm chôn đổ - lợi đủ mọi đường, sao cả nước còn ít những nhà máy thế này? Anh Dân giải thích: “Làm rác không phải ngon, chúng tôi với bên Ngân hàng Phát triển VN xác định làm để đóng góp vào công cuộc bảo vệ môi trường thôi chứ phải làm các việc khác để lấy tiền bù vào”.

Để có Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau phải có số tiền gần 380 tỷ đồng. May có Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB trong chiến lược hỗ trợ phát triển bền vững vùng đồng bằng cực nam của đất nước cho vay phần cơ bản (VDB cũng cho Cty Công Lý vay phần lớn số vốn để làm dự án điện gió Bạc Liêu).

Ấy nhưng có vốn rồi, làm ăn trong lĩnh vực này vẫn không dễ. Đừng nghĩ cứ có tiền ra nước ngoài nhập dây chuyền xử lý rác về là xong đâu, gương nhỡn tiền đắp chiếu dây chuyền không phải chỉ có một hai nơi: Phải nghiên cứu chọn đúng cái loại dây chuyền phù hợp với đặc tính rác của nơi đặt nhà máy kia.

Rác ở Cà Mau có độ ẩm trung bình cao hơn TPHCM, ở đó lại có độ ẩm cao hơn Hà Nội. “Nhập dây chuyền về Cà Mau mà đặc tính kỹ thuật giống như ở hai thành phố kia là bại” - anh Dân nói.

 Ngán và sợ nhất là lẫn trong rác các thai nhi. Mà không phải hiếm, tuần, đôi tuần lại có. Chuyện không đùa, phải chuẩn bị cả một khu để mai táng các thai nhi tội nghiệp đó. Thủ tục chôn cất và lễ lạt phải đầy đủ, cẩn thận. Không thể sơ suất, tai họa như chơi.

Làm rác ở Việt Nam ta khó hơn ở nhiều nước. Bởi ở người ta, rác hữu cơ, rác thuỷ tinh, rác đồ nhựa... loại nào người thải đã để riêng ra loại đấy rồi, về cứ thế đưa vào máy xử lý.

Còn ở ta, nhiều khi người ta “chơi” cả quả bom, quả đạn chưa nổ vào đống rác, báo hại lại phải mời bên quân đội đến vô hiệu hoá.

Rác thường thì cũng vẫn phải nhờ đến đội ngũ công nhân đứng chọn phân loại bằng tay trên băng tải. Ngán và sợ nhất là các thai nhi. Mà không phải hiếm, tuần, đôi tuần lại có.

“Chuyện không đùa. Tôi phải chuẩn bị cả một khu để mai táng các thai nhi tội nghiệp đó. Thủ tục chôn cất và lễ lạt phải đầy đủ, cẩn thận. Không thể sơ suất, tai họa như chơi” - ông chủ Dân nghiêm nghị.

Hơi tiếc là Nhà máy rác Cà Mau chưa thể chạy hết công suất thiết kế hai trăm tấn rác một ngày. Nguyên nhân: thiếu rác. Thành phố cuối trời đất nước hiện mỗi ngày mới có “năng lực” xả thải gần một trăm tấn.

Cty Công Lý đang đề nghị tỉnh Cà Mau hỗ trợ trong việc đầu tư hệ thống xe gom rác từ các huyện lân cận như U Minh, Thới Bình, Cái Nước, Trần Văn Thời... về.

Khi có đủ rác thì thu nhập của gần trăm người lao động ở đây mới được nâng cao lên nữa. Hiện thu nhập trung bình của cán bộ hàng tháng là bảy triệu, còn công nhân khoảng bốn triệu - con số nhìn hơi nhỏ, nhất là đặt vào môi trường không phải dễ chịu trong các xưởng sản xuất, nhưng lại là rất đáng kể so với những người vốn rất nghèo, thậm chí một số phải sống bằng nghề bới rác ở bãi rác thải thành phố trước đây.

Theo Báo giấy