Đan Mạch nói Greenland có thể độc lập nhưng khó sáp nhập vào Mỹ

TPO - Greenland có thể độc lập nếu người dân muốn, nhưng khó có khả năng trở thành một bang của Mỹ. Đó là phát biểu mà Ngoại trưởng Đan Mạch vừa đưa ra, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát hòn đảo này.

Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen phát biểu với báo chí tại quốc hội, ngày 8/1. (Ảnh: Reuters)

Ngày 8/1, lãnh đạo Greenland có cuộc hội kiến Vua Đan Mạch tại Copenhagen, một ngày sau khi ông Trump đưa ra những phát biểu về số phận của hòn đảo giàu khoáng sản và có vai trò quan trọng chiến lược. Greenland đang hưởng quyền tự trị, nhưng vẫn thuộc quyền quản lý của Đan Mạch.

Phát biểu với báo chí ngày 7/1, ông Trump không loại trừ khả năng sử dụng hành động quân sự hoặc kinh tế để biến Greenland thành một phần của Mỹ.

Nhà lãnh đạo sắp nhậm chức của Mỹ cho thấy ông sẽ thực hiện chính sách đối ngoại quyết liệt hơn, thậm chí bỏ qua các nghi thức ngoại giao truyền thống.

Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới, là một phần của Đan Mạch trong 600 năm qua, dù 57.000 người dân ở đây đang tự quản lý các vấn đề nội bộ của họ. Chính quyền hòn đảo do ông Mute Egede lãnh đạo đang hướng tới mục tiêu cuối cùng là giành độc lập.

"Chúng tôi thừa nhận Greenland có tham vọng riêng. Nếu kế hoạch đó thành hiện thực, Greenland sẽ độc lập, mặc dù không có tham vọng trở thành một thành viên liên bang của Mỹ”, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen phát biểu ngày 8/1.

Ông nói với báo chí rằng mối quan ngại của Mỹ về nguy cơ an ninh ở Bắc Cực là chính đáng, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc gia tăng hoạt động trong khu vực này.

"Tôi không nghĩ chúng ta đang trong một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với người Mỹ về cách chúng ta có thể hợp tác chặt chẽ hơn nữa, để đảm bảo các kế hoạch tham vọng của Mỹ được thực hiện", ông Rasmussen nói.

Dù Đan Mạch hạ thấp mức độ nghiêm trọng của việc ông Trump thể hiện tham vọng mở rộng biên giới của Mỹ, nhưng những phát biểu công khai của vị tổng thống sắp nhậm chức đang gây chấn động với các đồng minh châu Âu.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot nói rằng châu Âu sẽ không để các quốc gia khác tấn công biên giới có chủ quyền, dù ông không tin Mỹ sẽ xâm lược.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ ngạc nhiên trước những bình luận của ông Trump về Greenland và Canada, đồng thời nhấn mạnh, các đối tác châu Âu đồng lòng về việc duy trì tính bất khả xâm phạm biên giới.

Đan Mạch khẳng định rằng số phận của vùng lãnh thổ này chỉ có thể do người dân Greenland quyết định. Quan chức phụ trách tài chính Greenland Erik Jensen vừa nhắc lại rằng Greenland không phải hàng để bán.

"Mong muốn của chúng tôi là một ngày nào đó được độc lập. Nhưng tham vọng của chúng tôi không phải là chuyển từ quốc gia cai trị này sang quốc gia khác", ông nói.

Ngày 8/1, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết bà không thể tưởng tượng tham vọng của ông Trump sẽ dẫn đến sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Greenland.

Năng lực quân sự của hòn đảo này là 4 tàu tuần tra, 1 một máy bay trinh sát Challenger và lực lượng tuần tra bằng xe trượt tuyết chó kéo.

Đáp lại lời đe dọa của ông Trump về việc áp thuế, Thủ tướng Frederiksen cho biết bà không nghĩ rằng cuộc chiến thương mại với Mỹ là cách tốt để tiến về phía trước.

Dù nhiều người dân Greenland mơ ước độc lập khỏi Đan Mạch, họ vẫn yêu mến nhà vua, người đã dành nhiều thời gian cho hòn đảo.

Gần đây, Hoàng gia Đan Mạch sửa đổi thiết kế quốc huy, trong đó hình ảnh chú gấu Bắc Cực được phóng to hơn để thể hiện ý nghĩa của Greenland.

Ông Trump nêu vấn đề Mỹ tiếp quản Greenland từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, nhưng những phát biểu mới nhất của ông vẫn khiến nhiều người Đan Mạch bối rối.

Theo Reuters