Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã giao lại đàn bò tót cho Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) vào đầu tháng 10. Do chưa kịp làm trại mới, đơn vị tiếp nhận vẫn tạm thời thả chúng trong trại cũ trên đất rẫy của ông Nguyễn Đình Tích, thôn Bạc Rây, xã Phước Bình, huyện Bác Ái.
Con đực lớn suy kiệt nhất nay đã tươi tỉnh, các khối thịt ở sườn và cơ đã nở ra, da lông bóng loáng hơn so với lúc cuối tháng 9. Do được quan tâm nhiều, nên con này rất thân thiện với người chăm sóc. Đa số các con còn lại cũng có da có thịt, đi lại nhanh nhẹn hơn. Hai con đực khỏe nhất nhốt ở hai chuồng riêng biệt thi thoảng còn giương sừng húc nhau, làm rớt cả thanh gỗ ngăn chuồng.
Người được giao nuôi dưỡng đàn bò tót gần hai tháng qua là kỹ sư Nguyễn Văn Linh, 32 tuổi, cán bộ vườn quốc gia. Hàng ngày, anh Linh chạy xe máy hơn 2 km xuống trại để giám sát và trực tiếp chăm sóc chúng. Ông Nguyễn Đình Tích, người trông coi trước đây, cũng tiếp tục được thuê để bảo vệ đàn bò tót trong trại.
Chiều 23/11, anh Linh cùng người nhà ông Tích ra vườn cắt cỏ tươi ở khu đất gần đó. Từng bó cỏ tươi rói được mang về thả vào trong chuồng. Những con bò đen bóng, sừng cong, rảo tới ngoặm từng nhánh cỏ tươi kêu rào rạo. Không chỉ cỏ tươi, cạnh đó còn có rơm và các máng nhựa chứa thức ăn sinh khối (hỗn trái bắp và lá bắp xay nhỏ trộn ủ lên men) đã đổ sẵn cho chúng từ buổi sáng.
Anh Linh cho biết cỏ tươi cung cấp cho đàn bò tót được mua lại từ vườn của nông dân địa phương. Mỗi ngày mỗi con được cung cấp 10-15 kg cỏ tươi. Ngoài ra, chúng còn được cung cấp các loại thức ăn khác theo chế độ bồi bổ để phục hồi nhanh như: mỗi con được 30 kg bắp sinh khối, 1,5 kg – 2,5 kg thức ăn tinh tổng hợp, thỉnh thoảng có thêm mật mía, vitamin, thuốc tăng lực...
"Bò tót lai còn tính hoang dã, nên khi khỏe mạnh, chúng thường tỏ ra hung hãn, dùng sừng húc cạnh tranh nhau", kỹ sư Linh cho biết.
Hiện trong trại có tất cả 10 con F1 (5 đực, 5 cái) và một con F2 (cái). Con nặng nhất là đực đầu đàn đạt khoảng 550 kg; con nhỏ nhất nặng chừng 250 kg. Con cái F2 đang mang bầu, dự kiến sinh con trong vòng 20 ngày tới.
Hầu hết đàn đã khỏe mạnh. Riêng con nhỏ F1 ở ngăn ngoài cùng vẫn còn ốm so với các cá thể khác trong đàn. Lúc mới tiếp nhận, cơ quan thú y phát hiện nó bị nhiễm ký sinh trùng, không đi lại được. Sau khi được tiêm thuốc sổ sán lá gan, nay nó đã ăn khỏe và đi lại bình thường, đang được chăm sóc kỹ hơn.
Một con F1 nhỏ khác có màu lông vàng và đen chừng 250 kg ở cạnh đó cũng từng suy kiệt do bị các con lớn giành ăn, đã được nhốt riêng ra và cung cấp nhiều cỏ tươi hơn. "Hy vọng tháng tới, cả đàn đều bóng mượt, béo hơn nữa", kỹ sư Linh nói.
Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình cho hay, vừa qua nhờ nguồn kinh phí 100 triệu đồng do UBND tỉnh (cấp tạm trong ba tháng 10, 11 và 12), đơn vị đã mua thức ăn, thuốc men... tập trung phục hồi sức khỏe đàn bò. Nhưng đó mới chỉ là biện pháp trước mắt.
Về lâu dài, hiện đơn vị đã lập đề án Bảo tồn nguồn gen quý bò tót lai (với nguồn kinh phí lớn hơn, kéo dài trong 5 năm) đã được Sở Khoa học - Công nghệ và UBND tỉnh xem xét, tới đây sẽ trình HĐND tỉnh Ninh Thuận thông qua trong kỳ họp cuối năm.
Theo ông Vân, khi đề án được thông qua, Vườn quốc gia Phước Bình sẽ xây dựng khu trại mới ở gần vườn ươm của đơn vị để thuận tiện chăm sóc. Khu trại mới rộng khoảng 4ha, có đồng cỏ xanh cung cấp thức ăn thường xuyên cho bò tót và không gian rừng tự nhiên cho bò tót đi lại. Khu trại mới cũng góp phần phục vụ hoạt động tham quan du lịch và nghiên cứu tại vườn quốc gia.
"Chúng tôi sẽ mời gọi các viện nghiên cứu, các nhà khoa học, các công ty tư nhân... nếu có nhu cầu, có thể hợp tác với Vườn quốc gia Phước Bình thực hiện các dự án nghiên cứu phát triển nguồn gen theo hình thức xã hội hóa", ông Vân cho hay.
Năm 2009, một bò tót đực nặng gần một tấn ở rừng tự nhiên về khu rẫy thôn Bạc Rây (xã Phước Bình) giao phối với các bò cái nhà của người dân địa phương. Đến lúc được phát hiện chết năm 2014, cá thể bò tót đực này đã lại hơn 20 con lai trong đàn bò của dân với vóc dáng đặc tính hoang dã như bò cha.
Trong số đó, 10 con lai F1 và một con cái F2 được nhà nước mua lại để phục vụ nghiên cứu bảo tồn gen. Sau khi dự án nghiên cứu gần nhất (cấp nhà nước) kết thúc tháng 6/2019, đàn bò được giao cho Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng quản lý, chăm sóc. Do thiếu kinh phí, đàn bò không được cung cấp đủ thức ăn dẫn đến suy kiệt. Sau khi VnExpress phản ánh, đàn bò được bàn giao lại cho Vườn quốc gia Phước Bình.