Bí quyết thành công:
Dám vượt chính mình
Đứng trên vai người khổng lồ
Cuối tuần qua, hơn 1.000 sinh viên đã đến ngồi chật cứng hội trường ĐH Kinh tế TPHCM để nghe các diễn giả thuyết trình với chủ đề: “Khám phá sự năng động - Kích hoạt ngòi nổ thành công” do các bạn sinh viên nhóm Margroup trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức. Theo thầy Huỳnh Phước Nghĩa, giảng viên ĐH Kinh tế TPHCM, thành công của mỗi người luôn là đề tài bàn tán của những người khác. “Họ luôn so sánh thành công của bạn với người khác, hãy nhớ mục tiêu là của riêng bạn chứ không phải của người khác. Họ cũng cho rằng thành công của bạn là sự lựa chọn của người khác, hãy quan niệm bạn lựa chọn mục tiêu của mình chứ không phải người khác lựa chọn cho bạn. Họ cũng đánh giá thành công của bạn dựa trên cái gì đó của người khác, hãy luôn nhớ bạn thành công khi bạn cố gắng đạt được mục tiêu bằng chính sức của mình. Cho dù có người khác đi chăng nữa thì các bạn cũng đã thành công khi biết cách đứng trên đôi vai người khổng lồ” - thầy Nghĩa nói.
Cho rằng thành công là tạo ra hạnh phúc cho mình và mọi người chung quanh, chị Bùi Thị Minh Tú, Giám đốc Cty Cổ phần Đồ chơi và Giáo dục sáng tạo Măng, chia sẻ: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói “Hạnh phúc là hành trình, không phải là đích đến”. Vì vậy, nếu mỗi ngày trên con đường ta đi, nếu những mục tiêu ta đặt ra giúp ích cho mọi người và làm ta hạnh phúc thì đó là mỗi ngày ta thành công. Cái quá trình mới là điều quan trọng. Mặt lý tính của thành công là đạt được mục tiêu của bản thân, mang lại giá trị cho bản thân và xã hội. Mặt cảm tính là hạnh phúc".
Triết lý 5 ngón tay
Nhiều bạn trẻ cho rằng, ai cũng có hoài bão nhưng có những rào cản khiến họ không thể đạt được hoài bão. “Nó như một ngọn lửa đang bị giam trong một cái lồng của chính mình. Mình sợ thất bại, sợ bị người khác chê cười, sợ bản thân con người mình, sợ không vượt qua được chính mình”, Nguyễn Tú Liên, sinh viên ĐH Nông lâm TPHCM, tâm sự. “Cấp 3 mình được nuông chiều, cuộc sống quá khác so với môi trường đại học nên bây giờ vào đại học mình quá bỡ ngỡ, sốc với môi trường mới. Ngày xưa mình rất năng động, học giỏi các môn. Thế nhưng giờ mình thua xa các bạn ở tỉnh, bản thân không dám thoát khỏi vỏ bọc để tỏa sáng, để thể hiện mình” - Phan Anh Sơn, tân sinh viên ĐH Kinh tế TPHCM, nói. Vì vậy, nhiều bạn tân sinh viên tỏ ra ngập ngừng và khởi động khá chậm chạp khi mới bước chân vào môi trường ĐH, không ít bạn cảm thấy chán nản, cho rằng học ĐH là một lựa chọn sai lầm.
Bàn về sự nỗ lực trong môi trường ĐH, chị Trang Thanh Minh Thư, Trưởng phòng R&D Cty Sacomreal, chia sẻ: “Môi trường ĐH rất hữu ích cho sự trải nghiệm. Hãy chấp nhận trải nghiệm và chấp nhận sai thật nhiều bởi vì cái sai ở môi trường ĐH có rất nhiều cơ hội để sửa chữa, cái để đánh đổi cũng không cao và bạn được nhiều người là bạn bè, thầy cô giúp đỡ để sửa sai. Nếu bạn ra đời và phạm sai lầm, bạn sẽ phải trả giá rất đắt”.
Chia sẻ biện pháp vượt qua rào cản, thầy Huỳnh Phước Nghĩa khẳng định: “Điều mà chúng ta cần khi rời khỏi môi trường trung học và đại học là sự thích nghi. Bạn phải thích nghi với bối cảnh và sự thay đổi”. Chị Bùi Thị Minh Tú lại cho rằng, nguyên nhân của rào cản chính là thói quen, bạn trẻ thường chọn lựa đặt bản thân mình vào vùng an toàn. “Chính bạn đặt ra rào cản cho bản thân mình. Nếu bạn cho rằng bạn yếu tiếng Anh, bạn đâu dám nói tiếng Anh. Nhưng nếu bạn nói một lần, hai ba lần, có thể còn sai. Đến những lần sau thì hoàn thiện dần. Như vậy, nếu bạn sợ thì chính bạn tạo rào cản cho mình, không dám chiến thắng bản thân mình” - chị Tú nói.
Tư duy tích cực, trải nghiệm và dám thất bại là quan điểm chung của các diễn giả trong buổi chia sẻ với các bạn sinh viên. “Nếu bạn trải nghiệm thì bạn sẽ bớt sợ hãi. Trải nghiệm nhiều thì nội lực của bạn sẽ tăng, nỗi sợ hãi sẽ dần tan biến. Tưởng tượng các ngón tay của bạn là những giá trị bạn muốn có và ngón cái là tư duy tích cực. Từng ngón tay của bạn khi nắm lại rất dễ bị người khác bẻ ra. Nhưng nếu có ngón cái giữ lại, người khác rất khó bẻ. Tư duy tích cực sẽ giúp bạn giữ lấy những điều mà bạn mong muốn”, chị Minh Tú chia sẻ.