Đắk Lắk sẽ chấm dứt du lịch cưỡi voi và các hội thi voi đá bóng, kéo co

TPO - Trước thực trạng voi nhà Đắk Lắk suy giảm cả số lượng lẫn chất lượng nhưng vẫn phải phục vụ chở khách du lịch, Tổ chức Động vật châu Á tiếp tục hỗ trợ 231.000 USD nhằm tiến tới chấm dứt du lịch cưỡi voi và các hoạt động làm ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà.
Voi nhà huyện Lắk chở khách du lịch

Ngày 15/12, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ ký kết hợp tác về chuyển đổi xây dựng mô hình du lịch voi thân thiện với Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia Foundation) nhằm hướng tới chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi, cũng như các hoạt động làm ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nhà trong các hoạt động du lịch, và lễ hội, góp phần bảo tồn voi nhà tại Đắk Lắk.

Theo thỏa thuận hợp tác, Đắk Lắk sẽ hạn chế tối đa, hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà bao gồm: Du lịch cưỡi voi; các hội thi như voi bơi; voi đá bóng; voi chạy; voi kéo co; voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông; dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi.

Tổ chức Động vật Châu Á sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Trung tâm Bảo tồn voi 231.000 USD để thực hiện công tác bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2026. Trước đó, từ năm 2016 –2021, tổ chức này cũng hỗ trợ 110.000 USD cho công tác bảo tồn voi nhà Đắk Lắk.

Lễ ký kết hợp tác chuyển đổi xây dựng mô hình du lịch voi thân thiện

Phát biểu tại buổi ký kết, ông Y Giang Gry Niê Knơng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao sự hỗ trợ của Tổ chức động vật Châu Á về mặt vật chất, kỹ thuật cũng như các ý kiến, kiến nghị tâm huyết để cải thiện tình trạng phúc lợi, điều kiện sống của đàn voi nhà. UBND tỉnh cam kết ủng hộ những đề xuất, kiến nghị của tổ chức nếu phù hợp với phong tục tập quán cũng như các điều kiện về quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng voi tại tỉnh Đắk Lắk.

Ông Tuấn Bendixsen - Trưởng văn phòng dự án của Tổ chức động vật Châu Á tại Việt Nam cho hay, sẽ hỗ trợ, đồng hành với tỉnh Đắk Lắk trong công tác bảo tồn voi. Ông mong muốn UBND tỉnh hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ, chăm sóc những cá thể voi nhà từ đó tạo điều kiện, cơ hội cho voi sinh sản.

Hiện nay, quần thể voi tại Đắk Lắk còn không quá 140 cá thể (khoảng 100 cá thể voi hoang dã và 37 cá thể voi nhà), giảm 90% số lượng voi so với năm 1980. Các cá thể voi nhà hầu hết đã lớn tuổi sinh sản gây khó khăn cho công tác bảo tồn.