Đắk Lắk: Dấu hiệu bất thường vụ đấu giá gỗ cao su

TP - Sau khi hủy bỏ phiên đấu giá cây cao su thanh lý (cuộc đấu giá có tới 80 doanh nghiệp đã chuyển khoản hơn 123 tỷ đồng đặt cọc để được tham gia tại tỉnh Đắk Lắk), Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk (Cty CS) lặng lẽ tổ chức đấu giá tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với những dấu hiệu bất thường gây bất bình dư luận.
Cắt gỗ cây cao su cần thanh lý bán đấu giá.

Làm đâu, sai đó!

Hồ sơ thể hiện: Tháng 6/2017 Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (viết tắt Tập đoàn) phê duyệt kế hoạch thanh lý một số vườn cây cao su của các đơn vị trực thuộc, để tái canh năm 2018. Trong đó, riêng Cty CS Krông Buk (trụ sở ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) có 179,94 ha tại Nông trường cao su (NTCS) Ea Hồ-Phú Lộc và NTCS Tam Giang.

Tháng 7, Tập đoàn cùng Cty CS Krông Buk phúc tra hiện trạng vườn cây. Tháng 8, Cty CS Krông Buk gửi Tờ trình xin phê duyệt phương thức bán đấu giá (BĐG) gỗ, củi 179,94 ha này. Với tổng số 74.224 cây, trữ lượng gỗ được tính là 25.074 ster, trữ lượng củi 6.362 ster. Đơn giá đề xuất: gỗ 420.000đ/ster, củi 60.000đ/ster. Tổng giá khởi điểm làm tròn là 10,913 tỷ đồng.

Ngày 7/9/2017, Tập đoàn có công văn thỏa thuận giá khởi điểm và phương thức bán. Theo đó, giá khởi điểm gỗ được nâng lên thành 450.000đ/ster, giá khởi điểm củi 80.000đ/ster. Quy ra bình quân hơn 65,5 triệu đồng/ha, hơn 163 nghìn đồng/cây. Tổng giá khởi điểm 11,792 tỷ đồng.

Ngay hôm sau, Cty CS Krông Buk ký hợp đồng dịch vụ BĐG tài sản với Chi nhánh Công ty cổ phần Đấu giá Việt tại Đắk Lắk (CN ĐGV). Thời điểm tổ chức BĐG được xác định lúc 14h ngày 29/9/2017.

Chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ trước khi cuộc BĐG diễn ra, Cảnh sát Kinh tế đã có mặt tại trụ sở Cty CS Krông Buk, cảnh báo dấu hiệu sai phạm trong việc chuẩn bị tổ chức BĐG, khẳng định nơi tổ chức BĐG không niêm yết thông báo BĐG là sai trái. Cty CS Krông Buk phải ngừng cuộc BĐG, hủy bỏ hợp đồng dịch vụ với CN ĐGV.

Ngày 4/10/2017, Cty CS Krông Buk ra quyết định số 281, xé lẻ 179,94 ha cao su cần thanh lý ra 2 gói để BĐG. Và lại giao cho CN ĐGV tổ chức đấu giá gói số 1, gồm 82 ha, với 28.287 cây cao su ở Ea Hồ-Phú Lộc.

Theo quy chế BĐG được CN ĐGV lập ra, thì mỗi bước giá đấu tối thiểu 100 triệu đồng. Mỗi đơn vị muốn đấu giá phải mua hồ sơ (500 nghìn đồng/bộ) và đặt cọc 1,537 tỷ vào tài khoản của CN ĐGV trước 16h ngày 2/11/2017, để được đấu giá lúc 14h ngày 4/11/2017.

Sau khi thông báo được phát, có tới 80 đơn vị từ các tỉnh thành ồ ạt đổ về Đắk Lắk mua hồ sơ, đăng ký đấu giá, nộp tổng số tiền ký quỹ lên tới 122,96 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 3/11/2017, Thanh tra Sở tư pháp tỉnh Đắk Lắk lại phát hiện CN ĐGV vi phạm quy định của Luật đấu giá tài sản và các văn bản liên quan. CN ĐGV phải trả lại toàn bộ tiền mua hồ sơ và đặt cọc của 80 doanh nghiệp đã chuyển.

Điệu gỗ ly... hương

Việc quá nhiều đơn vị muốn mua được gỗ cao su thanh lý, cho thấy nhu cầu cần có gỗ cao su để chế biến, kinh doanh của các doanh nghiệp là rất lớn, và mức giá khởi điểm mà Cty CS Krông Buk đưa ra rất hấp dẫn, hứa hẹn cuộc BĐG đầy kịch tính, có thể vượt xa giá khởi điểm ban đầu.

Ví dụ điển hình như vụ BĐG 300          nghìn cây cao su thanh lý của Cty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk, mà báo Tiền Phong đã phản ánh trong bài “Nóng bỏng chuyện đấu giá gỗ cao su” số ra ngày 10/10/2017. Trung tâm Dịch vụ BĐG tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk tổ chức đấu giá lô gỗ khủng này vào ngày 1/9/2017. Với tổng giá khởi điểm được đưa ra 100 tỷ 631 triệu đồng, 53 doanh nghiệp đã sôi nổi nhập cuộc. Chót phiên, giá đấu trúng lên tới 200 tỷ 200 triệu đồng, với Cty TNHH Rừng Việt Quảng Ninh.

Tuy nhiên, sau 2 lần phải hủy việc tổ chức BĐG vì làm sai, Cty CS Krông Buk không đấu giá tiếp tại Đắk Lắk, mà lẳng lặng cho làm việc này tại ... Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khiến nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đấu giá gỗ cao su không hề hay biết.

Gói 98 ha gồm 45.957 cây cao su ở Tam Giang, được Cty CS Krông Buk giao cho Công ty CP BĐG Lam Sơn (Cty BĐG Lam Sơn) tại TP HCM tổ chức bán, giá khởi điểm 12,634 tỷ đồng. Trụ sở của Cty BĐG Lam Sơn ở quận 11, nhưng hồ sơ đấu giá lại bán ở quận Tân Phú. Giờ phát sóng thông báo về việc BĐG được chọn rất oái oăm, là từ 4 giờ 55 phút đến 4 giờ 59 phút sáng, trong 2 ngày tháng 10/2017 trên kênh truyền hình TTXVN.

Ngày 25/10/2017 Cty BĐG Lam Sơn tổ chức đấu giá, chỉ có 5 đơn vị tham gia. Trúng thầu vẫn là Công ty TNHH Rừng Việt Quảng Ninh, với mức giá “sát sàn sạt” 12,934 tỷ đồng.

Còn gói 82 ha cây cao su ở Ea Hồ-Phú Lộc, thì Cty CS Krông Buk giao cho Cty CP BĐG tài sản Việt Nam, với giá khởi điểm BĐG 7,6873 tỷ đồng vào lúc 9h ngày 13/12/2017, ở tận ... phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội. Cũng chỉ có 5 đơn vị đấu giá, và giá trúng thầu thuộc về một công ty ở tỉnh Bắc Ninh, cũng chỉ nhỉnh hơn giá đưa ra chút ít, là 7,8873 tỷ đồng.

Khi kết quả 2 gói BĐG này lộ ra, giới kinh doanh gỗ lập tức xôn xao. Trong đơn gửi báo Tiền Phong, có người đặt câu hỏi: Vì sao trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, ngoài CN ĐGV còn có những đơn vị có chức năng BĐG khác, của cả nhà nước và tư nhân, mà Cty CS Krông Buk lại lặng lẽ chuyển 2 gói tài sản lớn này đi nơi khác để đấu giá, và cho đấu trúng với mức giá quá thấp? Giá bình quân mỗi cây cao su thanh lý ở đây chưa tới 280 nghìn đồng, trong khi với khối lượng gỗ đó những nơi khác đều bán được giá gấp đôi ba lần. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, tìm hiểu vì sao BĐG tài sản nhà nước theo kiểu nhập nhèm, đáng nghi như vậy ?

Được biết, từ nay đến năm 2020 trên địa bàn Tây Nguyên còn có cả vạn ha cây cao su cần thanh lý lần lượt BĐG. Nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, minh bạch từ việc đo đếm khối lượng gỗ cho tới cách thức tổ chức BĐG, thì ngân sách nhà nước có thể bị thất thoát tới hàng nghìn tỷ đồng.

Đại diện báo Tiền Phong gọi vào số điện thoại do nhà chức trách cung cấp, xác nhận là số máy di động của ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng giám đốc Cty CS Krông Buk. Không trả lời, số máy này nhắn lại “Xin lỗi, ai đầu dây”-“Dạ, báo Tiền Phong muốn được làm việc với anh Hiền về các lô cao su đã bán đấu giá!”. Từ đó, số máy này liên tục báo bận và ... ngoài vùng phủ sóng!

Tuy nhiên, sau 2 lần phải hủy việc tổ chức bán đấu giá vì làm sai, Cty Cao su Krông Buk không đấu giá tiếp tại Đắk Lắk, mà lẳng lặng cho làm việc này tại ... Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khiến nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đấu giá gỗ cao su không hề hay biết.

Từ nay đến năm 2020 trên địa bàn Tây Nguyên còn có cả vạn ha cây cao su cần thanh lý lần lượt bán đấu giá. Nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, minh bạch từ việc đo đếm khối lượng gỗ cho tới cách thức tổ chức bán đấu giá, thì ngân sách nhà nước có thể bị thất thoát tới hàng nghìn tỷ đồng.