Đại sứ Mỹ tại Libya thiệt mạng vì rocket

TP - Ngày 12-9, nhân viên làm việc trong tòa Tổng lãnh sự Mỹ ở thành phố Benghazi cho biết, Đại sứ Mỹ tại Libya J.Christopher Stevens và ba người Mỹ khác thiệt mạng trong vụ tấn công vào tòa nhà Tổng lãnh sự Mỹ bằng rocket đêm 11-9.

> Lãnh sự và Đại sứ quán Mỹ liên tục bị tấn công

Đại sứ Mỹ tại Libya Stevens. Ảnh: CNN.

Những người chứng kiến cho biết, ba người Mỹ thiệt mạng cùng ông Stevens là các nhân viên an ninh. Họ nhìn thấy thi thể của 4 người trên phố vào sáng 12-9.

Phó Thủ tướng Libya Mustafa Abushagur có những lời nói tuy không khẳng định nhưng có vẻ như là xác nhận việc Đại sứ Stevens thiệt mạng.

Phó Thủ tướng Abushaguar nói: “Ông Stevens là một người bạn của Libya và chúng tôi bị sốc trước cuộc tấn công vào tòa Tổng lãnh sự Mỹ ở Benghazi”.

Ông Abushaguar coi hành động tấn công vào cơ quan ngoại giao Mỹ nói trên là dã man, coi như là vụ tấn công vào Mỹ, vào Libya và cả vào những con người tự do ở khắp nơi.

Nhân viên làm hợp đồng trong tòa Tổng lãnh sự Mỹ cho biết, trong vụ tấn công bằng rocket, một số người Libya cũng thiệt mạng, nhiều người bị bắn chết ngay tại chỗ.

Cái chết của Đại sứ Stevens xảy ra khi những người Lybia tấn công vào các cơ quan ngoại giao Mỹ, do giận dữ phản đối một bộ phim trên mạng Internet bị những người Hồi giáo Libya và Ai Cập coi là phỉ báng đạo Hồi. Tại thủ đô Cairo của Ai Cập cùng ngày, tòa Đại sứ Mỹ cũng bị một nhóm người Hồi giáo tấn công.

Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ xác nhận một quan chức Mỹ chết trong vụ tấn công ở Libya nhưng không cho biết danh tính của người ngày.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói: “Chúng tôi tan nát lòng vì sự mất mát kinh khủng này”. Bà Clinton nói rằng một số người đã tìm cách biện minh cho hành động dã man này là để phản đối một bộ phim được đưa lên mạng Internet.

Mỹ sẽ điều tra xem liệu có nỗ lực quốc tế nào nhằm phỉ báng tôn giáo hay không. Nhưng xin nói thẳng ra rằng không có bất cứ sự biện minh nào cho các hành động bạo lực loại này, Ngoại trưởng Mỹ nói.

Bộ phim gây ra làn sóng phản đối Mỹ mạnh mẽ của người Hồi giáo ở Libya và Ai Cập hiện nay được biết là do ông Sam Bacile, một công dân Mỹ 52 tuổi ở bang California, sản xuất. Sau đó, bộ phim được một người Ai Cập tung ra ngoài; phim này xuất hiện trên YouTube và được dịch ra tiếng Ảrập.

Trong cuộc tấn công tòa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, một nhóm vũ trang chưa được xác định đã đột nhập khuôn viên tòa nhà, bắn phá và ném bom tự chế.

Các nhân viên an ninh bảo vệ tòa Tổng lãnh sự bắn trả quyết liệt. Các nhân viên an ninh cho biết, phe tấn công có lực lượng đông áp đảo.

Ông Stevens được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Libya hồi tháng 5. Trước đó, ông được cử sang thành phố Benghazi làm việc bên cạnh phong trào đối lập nổi dậy chống nhà lãnh đạo Libya lúc đó là Đại tá Moammar Gadhafi từ năm 2007 đến 2009.

Lần thứ hai ông được cử sang Libya là năm 2011 khi đang diễn ra cuộc nổi dậy chống Gadhafi. Benghazi là thủ đô của phe nổi dậy chống chính quyền Gadhafi nên Đại sứ Mỹ Stevens đặt trụ sở làm việc của mình tại thành phố này.

Trong số những nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên được cử sang Libya từ năm 2007, Đại sứ Stevens nói giỏi tiếng Ảrập và tiếng Pháp. Trước khi vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông là luật sư về thương mại quốc tế.

Tại Cairo, nhiều người Hồi giáo phản đối bộ phim nói trên hôm 12-9 tấn công tòa nhà Đại sứ quán Mỹ, đập phá và xé quốc kỳ Mỹ để thay vào đó một cờ của Hồi giáo.

Theo hồ sơ lưu trữ của Bộ Ngoại giao Mỹ, năm 1979, Đại sứ Mỹ tại Afghanistan Adolph Dubs bị bắt cóc và giết hại trong khi các lực lượng tổ chức giải cứu ông.

Đ.P
Theo CNN, BBC

Theo Báo giấy