Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu trước các lãnh đạo và hàng trăm sinh viên Đại học Quốc gia (VNU) Hà Nội, ngày 8/1, mở đầu cho chuỗi kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ.
Đại sứ nhấn mạnh, VNU Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt trong câu chuyện của hai quốc gia. 25 năm trước, Tổng thống Bill Clinton đến đây với tư cách tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Hà Nội, để nói về ý nghĩa của quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam mà ông tuyên bố 5 năm trước, vào năm 1995. Chính Tổng thống Clinton đã mở ra chương mới trong quan hệ Việt – Mỹ khi ông nói: "Hãy để tương lai là đích đến của chúng ta".
Đại sứ Knapper nhấn mạnh 3 trụ cột quan trọng: Giáo dục, đổi mới sáng tạo và quan hệ đối tác, để tạo nên nền tảng cho 30 năm tiếp theo của quan hệ hai nước, trên hành trình vượt qua quá khứ và hướng tới tương lai.
Giáo dục là nền tảng
Đại sứ Knapper nhấn mạnh, giáo dục là nền tảng cho Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ. Giáo dục là hạt giống giúp nhiều thế hệ thanh niên phát triển thành những nhà lãnh đạo, nhà đổi mới và công dân toàn cầu.
Đại sứ cho biết, Mỹ đã và đang hợp tác với VNU Hà Nội trong các sáng kiến mang tính đột phá, bao gồm thúc đẩy nghiên cứu không gian địa lý với NASA, mở rộng chương trình tiếng Anh và hợp tác thiết kế chương trình giảng dạy cho các ngành công nghiệp quan trọng như chất bán dẫn.
Ngày nay, Việt Nam xếp thứ 6 về số lượng sinh viên đang học tại Mỹ. Hơn 30.000 sinh viên Việt Nam theo học tại các tổ chức của Mỹ mỗi năm, chưa kể các chương trình trực tuyến.
Dẫn trường hợp những người từng học ở Mỹ như nhà sáng lập Shopee Forrest Li, người sáng lập Grab Anthony Tan, người đồng sáng lập Zalo Vương Quang Khải, Đại sứ Knapper nhấn mạnh rằng những câu chuyện của họ cho thấy giáo dục không chỉ là việc tiếp thu kiến thức mà còn giúp giải quyết vấn đề trong cuộc sống thực tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua đổi mới.
Ông cũng kể đến Jenny Huỳnh, cô gái người Việt đang có gần 9 triệu người theo dõi trên TikTok và 2 triệu người theo dõi trên Instagram. Jenny đang theo học tại ĐH Stanford, thường xuyên chia sẻ những cơ hội về giáo dục tại Mỹ, trong khi vẫn giữ kết nối với cội nguồn của mình tại Việt Nam.
Không chỉ thế, Đại sứ cho biết chính phủ Mỹ cũng tạo cơ hội cho nhiều tổ chức và sinh viên, giảng viên Mỹ đến Việt Nam hơn.
Trong năm qua, phái đoàn Mỹ đã làm việc với hàng chục tổ chức giáo dục đại học khám phá cơ hội hợp tác giáo dục sâu hơn, nhằm mang lại lợi ích cho các trường đại học ở cả hai quốc gia. Đại sứ cho biết, vào tháng 3 tới, một phái đoàn gồm các quan chức cấp cao của 15 trường đại học Mỹ sẽ đến Việt Nam để xây dựng quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học tại Việt Nam.
Hướng đến công nghệ đột phá
Về trụ cột đổi mới sáng tạo, Đại sứ Knapper cho biết ngày càng nhiều công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Hiện tại, đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam đạt khoảng 12 tỷ USD, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các công ty Mỹ vào kỹ năng của người Việt Nam.
Đại sứ cho biết, hai bên đang hướng đến các ngành công nghiệp công nghệ cao, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G, năng lượng tái tạo và đổi mới kỹ thuật số. Nhiều tên tuổi lớn của Mỹ như Intel và NVIDIA đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam, hợp tác với các kỹ sư tài năng của Việt Nam để tạo ra công nghệ cung cấp năng lượng cho thế giới.
Thông báo của tỷ phú Jensen Huang về việc NVIDIA mua lại VinBrain để phát triển trung tâm thiết kế tương lai lớn tại Việt Nam chỉ là một ví dụ cho thấy quan hệ hợp tác này đang thúc đẩy những đột phá mới trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam.
Đại sứ Mỹ Marc Knapper
Ông cho biết, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ đang thảo luận với chính phủ Việt Nam để tạo nên hệ sinh thái phù hợp giúp Việt Nam tiến lên chuỗi giá trị trong sản xuất công nghệ cao quan trọng.
Ông cũng dẫn trường hợp cô Amanda Nguyễn, người sẽ sớm trở thành nữ phi hành gia người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay lên vũ trụ. Cô có kế hoạch hợp tác với Trung tâm vũ trụ Việt Nam trong các thí nghiệm trên không gian. Cô từng chia sẻ về mong muốn truyền cảm hứng cho niềm đam mê khoa học vũ trụ cho thế hệ trẻ Việt Nam, thúc đẩy tương lai chung về khám phá không gian hòa bình giữa Mỹ và Việt Nam.
Tôn trọng và tin tưởng
Về quan hệ đối tác giữa hai nước, Đại sứ Knapper khẳng định rằng cần phải có lòng dũng cảm mới có thể vượt qua nỗi đau của chiến tranh để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Ông dẫn lời Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Liên Hợp Quốc năm 2023, không lâu sau khi có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam: “Mối quan hệ của chúng ta là minh chứng cho sức bền bỉ của tinh thần con người và khả năng hòa giải để ngày nay Mỹ và Việt Nam trở thành đối tác và bạn bè. Đây là bằng chứng cho thấy ngay cả sau nỗi kinh hoàng của chiến tranh vẫn có một con đường phía trước. Mọi thứ có thể trở nên tốt đẹp hơn”.
Thông qua những nỗ lực chung, Mỹ đang hỗ trợ Việt Nam rà phá bom mìn chưa nổ, giúp đỡ người khuyết tật và tìm kiếm hài cốt binh lính trong chiến tranh.
Ông nói rằng các nhà lãnh đạo và cá nhân có tầm nhìn xa trông rộng của Việt Nam và Mỹ đã gieo mầm cho sự hòa giải, trong đó có cố Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Đại sứ Lê Văn Bàng và nhiều người khác.
Lòng dũng cảm của họ giúp chúng ta tiến về phía trước và coi nhau không phải đối thủ mà là đối tác. Hai nước trở thành đối tác đáng tin cậy nhờ tình cảm hữu nghị dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, trong đó có sự tôn trọng của chúng ta đối với nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của nhau
Đại sứ Mỹ Marc Knapper
Ông cho biết, một phần quan trọng trong đó là hợp tác quốc phòng và an ninh ngày càng phát triển giữa hai nước.
“Mỹ cam kết hợp tác với Việt Nam khi Việt Nam thúc đẩy các mục tiêu hiện đại hóa quân đội và bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mình”, ông nói.
Trong năm qua, VNU Hà Nội và ĐH Arizona đã ký kết hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ bán dẫn, với kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực từ nhiều cấp độ, từ trung học phổ thông đến đại học và các chuyên gia đang làm việc trong ngành. Dự kiến sẽ có các hoạt động trao đổi như phát triển chương trình đào tạo, chia sẻ học liệu, trao đổi cán bộ và sinh viên, với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ Mỹ.