Thay đổi bất ngờ ở Tuvalu gây khó thêm cho vị thế của Đài Loan ở Nam Thái Bình Dương sau khi bị quần đảo Solomon cắt đứt quan hệ ngoại giao từ đầu tháng này.
Giữ được số ghế sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng này, nhà lãnh đạo ủng hộ Đài Loan của Tuvalu Enele Sopoaga được chờ đợi sẽ tiếp tục làm thủ tướng. Nhưng quốc hội với 16 thành viên của nước này vừa bầu ông Kausea Natano làm người đứng đầu chính phủ. Ông Natano là người chưa thân thiết gì với Đài Loan.
Các nhà phân tích khu vực nói rằng thay đổi quyền lực ở Tuvalu có thể tạo cơ hội cho Bắc Kinh cô lập Đài Loan hơn nữa. Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh tạm bị chia cắt và không có quyền có quan hệ chính thức với bất kỳ quốc gia nào.
“Sẽ phải mất nhiều tiền để khiến Tuvalu thay đổi lập trường. Đài Loan sẽ rất lo lắng về kết quả này”, Reuters dẫn lời ông Jonathan Pryke, giám đốc chương trình các đảo Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Lowy ở Úc, nhận định.
Trung Quốc đang gia tăng đáng kể các khoản cho vay và tài trợ cho khu vực Thái Bình Dương, khiến Mỹ và đồng minh Nhật, Úc và New Zealand lo ngại và tăng cường nỗ lực ngoại giao.
Bà Joanne Ou, người phát ngôn cơ quan ngoại giao Đài Loan, nói rằng Đài Bắc sẽ theo dõi sát sao các diễn biến tiếp theo.
Ông Marc Su, đại diện của Đài Loan ở Tuvalu, nói rằng Bắc Kinh có ít ảnh hưởng ở quốc gia này sau nỗ lực thuyết phục bất thành hơn chục năm trước.
“Bạn có thể cảm thấy họ đang cố gắng thu hút các đồng minh ngoại giao của chúng tôi theo mọi cách có thể. Quốc gia này thì OK, sẽ không ảnh hưởng gì cả”, bà Su nói với Reuters. Bà cũng nói rằng Đài Loan có quan hệ tốt với Tuvalu “từ cơ sở đến cấp cao”.
Tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng từ chối trả lời trực tiếp về Tuvalu.
“Chúng tôi sẵn sàng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới trên nền tảng nguyên tắc một Trung Quốc”, ông Cảnh Sảng nói tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay.
Đài Loan góp 7,06 triệu USD cho ngân sách Tuvalu năm 2019, theo số liệu thống kê ngân sách của Tuvalu.
Ngoài viện trợ, quốc gia với dân số chỉ khoảng 12.000 người này đang phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ cấp giấy phép đánh bắt cá cho các tàu nước ngoài và bán tiên miền quốc gia “.tv”.
Tên miền này gây hứng thú cho các công ty truyền thông và trang web khắp thế giới nên họ trả tiền để được sử dụng.