Đại học Mỹ tại Việt Nam: Hành động của ông vua rác

TP - Sáng 10-4, ngay sau khi kết thúc phiên họp đầu tiên với tư cách thành viên Hội đồng quản trị Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) tại Mỹ, ông David Dương đã có cuộc trò chuyện với Tiền Phong.
Ông David Dương (trái) và Tổng thống Obama tại lễ bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị VEF ngày 26-3 vừa qua tại Nhà Trắng


Là thành viên người Việt duy nhất trong Ban giám đốc của VEF, ông có cho rằng mình càng có trách nhiệm cao hơn?

Tôi thấy đây là niềm hãnh diện của tôi, một người Việt Nam, hay đúng hơn là một người Mỹ gốc Việt khi được bổ nhiệm để làm công việc về giáo dục Việt Nam. Tôi cho rằng, đây là cơ hội đặc biệt cho tôi được làm việc với VEF để giúp sinh viên Việt Nam có cơ hội được sang học tập tại Mỹ.

Với khả năng của mình, ông nghĩ rằng sẽ giúp gì cho giáo dục Việt Nam?

Là người Việt Nam, nên tôi có thể hiểu về đất nước và con người Việt Nam hơn người Mỹ. Vì thế, khi được gia nhập Ban giám đốc VEF, chắc chắn tôi sẽ giúp ích được nhiều hơn so với những người đồng nhiệm Mỹ. Đây là việc quan trọng đối với tôi, việc có nhiều người Việt Nam theo học tại  Mỹ sẽ làm phát triển mối quan hệ Việt – Mỹ ngày càng tốt đẹp hơn.

Ông đã đưa ra những đề xuất gì tại phiên họp đầu tiên?

Hai vấn đề chính mà tôi đề cập là tăng cường quảng bá VEF tới tận các vùng sâu, vùng xa của Việt Nam để mọi học sinh giỏi đều có cơ hội được học tập tại Mỹ và nỗ lực vận động mở trường đại học Mỹ tại Việt Nam. Đề xuất của tôi được các thành viên Hội đồng quản trị quan tâm và coi đó là vấn đề trọng tâm và phải xem xét.

Ông dự kiến sẽ vận động mở trường Mỹ tại Việt Nam như thế nào?

Số lượng học bổng của VEF có hạn. Số lượng học bổng của các trường đại học Mỹ cũng có hạn. Tôi biết hiện nay có một số quỹ tư nhân cũng có các chương trình đưa sinh viên Việt Nam sang du học tại Mỹ. Tính số học bổng hàng năm được dành cho sinh viên Việt Nam cũng chừng 200- 300 suất.

Với ý tưởng giúp cho nhiều sinh viên Việt Nam được tiếp cận với nền giáo dục Mỹ mà không có khả năng qua Mỹ học hoặc không muốn xa gia đình, việc mở trường đại học Mỹ tại Việt Nam không chỉ giúp vài ba chục người mà có thể tới hàng ngàn người có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục Mỹ.

Với uy tín của VEF, một cơ quan giáo dục của chính phủ Mỹ, tôi sẽ vận động các cấp chính quyền, liên hệ với các trường đại học Mỹ cũng như các cơ quan ban ngành tại Việt Nam để xây dựng 2-3 trường đại học Mỹ tại Việt Nam. Tôi nghĩ tôi là người Việt Nam, lại có hiểu biết về Hoa Kỳ, tôi hy vọng sẽ thuyết phục được họ và là đầu mối để xúc tiến việc này.

Vietnam Waste Solution là công ty đầu tiên của ông tại Việt Nam. Dự định đầu tư sắp tới của ông là gì?

Sau mấy chục năm trở về thăm quê, tôi luôn tâm niệm rằng mình là người Việt Nam, mình phải đóng góp xây dựng quê hương. Ngay từ đầu, tôi đã xác định đầu tư cho phát triển. Vì thế, tất cả lợi nhuận thu được, tôi không rút ra mà tiếp tục đầu tư để góp phần cải thiện môi trường ở Việt Nam.

Sau thành công với Vietnam Waste Solution tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM), tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các tỉnh thành khác tại Việt Nam.

Hiện nay, ngày càng nhiều Việt kiều, trong đó có Việt kiều Mỹ về nước đầu tư. Ông đánh giá xu hướng này như thế nào và với tư cách là nhà đầu tư, ông có lời khuyên như thế nào?

Như tôi đã từng nói trong Hiệp hội doanh nhân Việt Mỹ,  nơi tôi vừa được bổ nhiệm là chủ tịch cách đây ba tháng. Đầu tư ở đâu cũng khó khăn, nhưng đầu tư về đất nước còn khó khăn hơn vì xét về mặt địa lý thì quá xa. Nếu đầu tư nhỏ, nhà đầu tư  không có đủ thời gian và tiền bạc đi lại để quản lý.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy không có ai lợi thế hơn người Việt Nam về đầu tư tại Việt Nam bởi những chính sách ưu đãi tại Việt Nam. Tôi đã khuyên anh em Viềt kiều nên chọn một, hai dự án quy mô lớn và tập trung vào đầu tư. Ý kiến mới của tôi rất được hoan nghênh và coi đó là con đường sáng để đầu tư.

Vấn đề là chọn dự án như thế nào. Trong vài tháng tới, khi Hiệp hội cải tổ lại sẽ có nội quy mới, chúng tôi sẽ xem xét các dự án đầu tư lớn  về giáo dục, y tế, năng lượng, môi trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng tới việc đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ. Trước đây, cũng có một số anh em làm công việc này, nhưng sắp tới công việc này sẽ được làm một cách qui mô hơn và bài bản hơn.

Ông David Dương tên đầy đủ là Dương David Trung, sinh năm 1958 tại Sài Gòn và rời Việt Nam vào năm 1976. Thời gian đầu ở Mỹ, ông Dương phải sống trong hoàn cảnh rất khó khăn, phải đi lượm phế liệu để kiếm sống. Sau khi tích lũy được một số vốn, ông Dương đã khởi dựng sự nghiệp từ rác và nhanh chóng thành đạt với ngành tái chế và xử lý chất thải rắn tại Mỹ.

Ông được mệnh danh là ông vua rác. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty California Waste Solutions, INC  (California, Mỹ); Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Cty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions, Inc – VWS); Ủy viên Hội Doanh thương quốc tế thành phố Oakland – Mỹ; Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt – Mỹ; Chủ tịch Hiệp hội thương mại thung lũng Silicon; Thành viên Hiệp hội thương mại châu Á - Thái Bình Dương Sacramento.

Lan Anh
(Thực hiện)