Phở Việt Nam nhưng người Thái sản xuất và kinh doanh đắt hàng tại Mỹ
Mới đây, đoàn doanh nghiệp Việt Nam do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (BSA) dẫn đầu, sang thăm nhà máy chế biến thực phẩm của Charoen Pokphan Foods (CPF) trong khuôn khổ triển lãm ThaiFex tại Thái Lan.
Trong chuyến thăm, lãnh đạo CPF tiết lộ, phở Việt Nam đang là một trong những sản phẩm ready-to-eat (thực phẩm tươi ăn liền đóng gói) thuộc hàng bán chạy nhất của nhà máy CPF tại Thái Lan.
Phía CPF cho biết, phở của công ty bán rất chạy tại châu Mỹ, nơi các sản phẩm thực phẩm tươi ăn liền đóng gói rất được ưa chuộng. Cơ sở này sản xuất hơn 200.000 sản phẩm/ngày mà chỉ có chưa đến 10 công nhân. Thế nhưng, theo lãnh đạo CPF, đây là nhà máy nhỏ, cơ sở lớn nhất của doanh nghiệp này bây giờ là nhà máy CPF ở Mỹ, với sản lượng 2 triệu sản phẩm/ngày.
Ban đầu, doanh nghiệp này chỉ dự tính mở một văn phòng thương mại để xuất khẩu sản phẩm Phở Việt Nam, tuy nhiên, do nhận định được “độ nóng” của thị trường, doanh nghiệp này sau đó đã quyết định xây dựng hẳn nhà máy tại Mỹ, phân phối vào các siêu thị, kênh bán lẻ lớn như Walmart, Costco, Kroger, Amazon...
Vì sao phở Việt được coi như “quốc hồn, quốc túy” và là thương hiệu quốc gia nhưng giờ lại bị người Thái xuất khẩu mạnh ra thế giới? Theo các chuyên gia kinh tế, thế giới vận hành theo kinh tế thị trường. Nghĩa là ai nắm bắt được cơ hội tốt nhất, biết khai thác nguồn lực tốt nhất sẽ thắng trong cuộc đua về kinh doanh. Ai nhanh chân đưa sản phẩm đến người tiêu dùng thì người đó chiến thắng.
“Tất nhiên việc làm này của người Thái cũng gây thiệt hại cho thương hiệu quốc gia và thương hiệu Việt. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là qua đây cũng cho thấy sự thật là người Thái Lan đã nhanh nhạy hơn, làm bài bản hơn và đặc biệt là họ biết cách khai thác nhu cầu thị trường tốt hơn doanh nghiệp Việt. Đây là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ” – bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia về nhượng quyền thương hiệu cho biết.
“Để đuổi kịp một trong những đối thủ trực tiếp của ngành nông sản và thực phẩm tại Đông Nam Á này thì Việt Nam còn nhiều điều phải thay đổi” - đại diện BSA bình luận.
Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam thông tin, sau 2 năm khảo sát, kiểm tra và tìm đầu mối nông sản Việt Nam, công ty đã xuất thành công 12.000 tấn thanh long và hơn 100 tấn khoai sang thị trường Thái Lan. Thời gian tới, đơn vị này tiếp tục mang cua Cà Mau, bưởi da xanh, cá tra phi lê, tôm sang thị trường này và tương lai là xuất đi Trung Quốc, Malaysia, Campuchia, Lào…