Đại gia bất động sản “lấn sân” dịch vụ ăn uống

TPO - Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kim và Công ty CP Sơn Kim Retail đặt mục tiêu trong 5-10 năm tới, sẽ mở khoảng 30 nhà hàng Nhật tại Việt Nam, trong đó nhà hàng đầu tiên sẽ ra mắt vào tháng 6/2019 tới đây.
Chuỗi nhà hàng Nhật của Watami sắp có mặt tại Việt Nam

Ngày 18/5, Tập đoàn Sơn Kim đã tổ chức họp báo về việc liên doanh với Tập đoàn Watami của Nhật để thành lập công ty TNHH Watami Việt Nam và chuỗi nhà hàng Kyo Watami Grill & Sushi.

Trong việc “bắt tay” này, Sơn Kim nắm 85% cổ phần, Watami nắm 15% tại nhà hàng Kyo Watami Grill & Sushi.

Watami là thương hiệu nhà hàng Nhật nổi tiếng, với hơn 500 nhà hàng ở các quốc gia như Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore…

Từng nổi đình nổi đám khi Sơn Kim là doanh nghiệp Việt đầu tiên đưa GS25 – chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất của Hàn Quốc về Việt Nam năm 2017, nay đơn vị này lại trở thành doanh nghiệp đầu tiên liên doanh với Nhật Bản mở cửa nhà hàng.

Chia sẻ về việc muốn đầu tư về lĩnh vực ẩm thực của Nhật, ông Huy Nguyễn, Giám đốc điều hành công ty TNHH Watami Việt Nam cho rằng, phân khúc nhà hàng Nhật Bản trong ngành F&B Việt Nam có chỉ số phát triển rất ấn tượng. Trung bình hàng năm, số lượt khách hàng đến các nhà hàng Nhật tăng hơn 53%, đóng góp sự phát triển về doanh số là 51%.

“Thị trường ẩm thực Nhật Bản thời gian gần đây rất phát triển tại Việt Nam. Dẫu vậy, đa số các nhà hàng Nhật tại Việt Nam đều là nhượng quyền hoặc tự kinh doanh. Đây là lần đầu tiên có sự liên doanh giữa Nhật Bản và doanh nghiệp Việt để ra mắt nhà hàng Nhật, hy vọng việc này sẽ thúc đẩy thị trường ẩm thực Nhật tại thị trường Việt có rất tiềm năng này” – ông Huy Nguyễn nói.  

Trước câu chuyện liên quan đến thị trường bán lẻ đang có sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều thương hiệu đình đám của nước ngoài sau một thời gian đầu tư vào Việt Nam đã phải ngậm ngùi ra đi như chuỗi siêu thị Auchan đến từ Pháp, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kim và Công ty CP Sơn Kim Retail cho rằng điều này vẫn xảy ra ở các nước trên thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

“Xu hướng chung là các siêu thị sẽ đi xuống, còn các cửa hàng tiện lợi sẽ phát triển theo xu hướng kinh doanh online, mua sắm tại nhà… Do đó đã kinh doanh vào ngành này là đầu tư lớn, chọn những đối tác chiến lược; không thể nhượng quyền mà phải liên doanh có sự đầu tư giữa các bên” – ông chủ Sơn Kim nhìn nhận.