Đà Lạt: Công an sai phạm nhưng không xin lỗi, bồi thường

Truy đuổi, chặn bắt “nhầm” đối tượng, Công an xã Tà Nung đã làm  cho một cán bộ Hội LHTN bị trọng thương. VKSND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu  phải xin lỗi, bồi thường thế nhưng vụ việc vẫn chìm trong im lặng.

Đêm 27/8/2004, Công an xã Tà Nung lập 3 chốt chặn ven đường để chặn bắt đối tượng trộm xe hon da. Chốt đầu tiên được lập ở một nơi tối tăm, do đó khi công an ra tín hiệu dừng xe, anh Đinh Văn Phúc ( SN 1980, trú tại 24 Đào Duy Từ, Đà Lạt, ủy viên Ban chủ nhiệm CLB kỹ năng Hội Liên hiệp Thanh niên) tưởng rằng gặp phải bọn cướp nên đã bỏ chạy.

Công an xã và dân phòng dùng gậy ma trắc rượt đuổi, phang vào xe, dựng chướng ngại vật chặn đường… khiến anh Phúc té ngã, bất tỉnh phải đưa vào Bệnh viện Lâm Đồng cấp cứu, sau đó tiếp tục điều trị dài ngày tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).

Theo hồ sơ bệnh án, nạn nhân bị rạn nứt hộp sọ từ đỉnh đầu đến thái dương bên phải, bên trong sọ có máu tụ ngoài màng kín. 

Cha của Phúc nhiều lần khiếu nại Công an xã đánh con ông bằng gậy ma trắc, Công an thành phố bao che hành vi đánh người..., còn Công an thành phố Đà Lạt và xã Tà Nung cho rằng Phúc đã bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não.

Cây ma trắc nhặt được ở hiện trường

Trước tình hình đó, VKSND và Công an tỉnh phải tiến hành xác minh, dựng lại hiện trường.

Ngày 14/6/2005, Cảnh sát điều tra Công an tỉnh có công văn (số 213) nhận định:  Điểm chốt chặn đầu tiên được bố trí ở nơi không đủ ánh sáng; Phó công an xã là Phạm Văn Kim dùng gậy giao thông đập bể đèn trước xe của anh Phúc và huy động lực lượng thanh niên trong thôn rượt đuổi khiến cho Phúc vô cùng hoảng sợ... 

Ở chốt chặn thứ hai, Đa Guốt Long (dân phòng) dùng gậy dân phòng đập bể đuôi đèn và đèn sau của chiếc hon da mà anh Phúc đang điều khiển… Liền sau đó, Trần Văn Sỹ (dân phòng) bất ngờ đẩy xe Simson của mình ra giữa đường khiến anh Phúc đụng vào té ngã, chấn thương sọ não. Những việc làm trên của công an và dân phòng là trái với quy định của pháp luật. 

Kết luận của Công an tỉnh rõ ràng là thế, VKSND cũng đã yêu cầu phải xin lỗi, bồi thường cho nạn nhân; Thanh tra Bộ Công an, UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng đã gửi 7 công văn yêu cầu giải quyết khiếu nại. Thế nhưng, đã hơn 10 tháng trôi qua mà vụ việc vẫn chưa tới hồi kết. Cha của Phúc tiếp tục kêu cứu khắp nơi. 

Ngày 8/7 vừa qua, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Bá Thuyền-Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng một lần nữa khẳng định Công an xã Tà Nung đã phạm sai lầm nên phải khẩn trương tổ chức xin lỗi, còn UBND xã cần bồi thường thỏa đáng cho anh Phúc. Mặt khác, Viện đề nghị  trưng cầu  giám định pháp y để xác định Phúc bị công an, dân phòng đánh hay vì bị rượt đuổi, đụng phải chướng ngại vật mà té ngã, trọng thương để có biện pháp xử lý thỏa đáng trong thời gian tới.