Cựu quan chức trở thành người làm thuê

Chưa ở đâu như lĩnh vực ngân hàng - nơi mà hàng loạt cựu quan chức cấp cao của Chính phủ trở thành “người làm thuê số 1” như hiện nay. Mùa họp đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng đi qua, danh sách này càng dài ra.
Ngân hàng Đông Á vừa bầu ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ảnh: Uyên Viễn (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Nhiều vị trí đã thay đổi

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 1989 - 1997, vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Đông Á hồi tuần rồi. Trước đó, từ tháng 3/2012, ông là thành viên HĐQT độc lập của ngân hàng này. Ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hồi cuối tháng 3/2014, đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã bầu ông Kiều Hữu Dũng, Phó chủ tịch Sacombank đồng thời là thành viên HĐQT độc lập, làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Ông Dũng làm việc trong khu vực nhà nước 22 năm và trước khi về với Sacombank, ông đảm nhiệm chức Vụ trưởng Vụ các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước.

Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tuần rồi cũng mới bầu ông Nguyễn Đoan Hùng làm thành viên HĐQT độc lập sau khi ông này nghỉ hưu ở vị trí Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam. Ông Hùng cũng kinh qua nhiều năm làm việc thuộc Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

Ông Kiêm, ông Dũng không phải là các cựu quan chức đầu tiên về làm thuê cho ngân hàng. Người mở đầu cho “trào lưu” này là ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Ông Giá là thành viên HĐQT độc lập tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ năm 2006, sau 40 năm làm trong hệ thống nhà nước. Năm 2008, sau hai năm làm cố vấn cho ACB, ông Giá ngồi ghế Chủ tịch HĐQT ngân hàng này (từ tháng 3) đến khi từ nhiệm (19/9/2012). Tuy ngồi ghế cao nhất trong HĐQT nhưng tiếng nói của ông Giá không phải có trọng lượng nhất ở đây, mà lại là người khác.

Sau ông Giá, bà Lê Thị Băng Tâm cũng về làm Chủ tịch Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) từ 12/6/2010. Bà Tâm từng làm việc trong khu vực nhà nước 38 năm, trong đó đã từng đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Bà Tâm cũng là thành viên HĐQT độc lập của HD Bank.

Ở Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ông Phùng Khắc Kế cũng giữ ghế thành viên độc lập từ năm 2010. Ông Kế nghỉ hưu từ vị trí Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhiều năm quản lý ngành ngân hàng trong đó có VPBank.

Chỉ để đáp ứng quy định của luật?

Những người nói trên, dù có ngồi ghế chủ tịch HĐQT hay không, đều là các thành viên HĐQT độc lập của các ngân hàng.

Các ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung hiện rất khan hiếm thành viên HĐQT độc lập vì theo quy định của luật, mỗi tổ chức tín dụng cổ phần phải có hai thành viên HĐQT độc lập. Theo thông lệ của thế giới, quản trị công ty hiện đại yêu cầu tối thiểu một nửa thành viên HĐQT là độc lập, nhưng hiện nay chỉ vài ba ngân hàng đủ hai thành viên độc lập. Một số ngân hàng nói khó khăn, cơ quan quản lý phải nới tay, nhưng sự dễ dãi này khiến ở một vài ngân hàng sau vài năm có quy định vẫn chưa có thành viên độc lập nào.

Đáng nói hơn, theo định nghĩa “độc lập” là không có quyền lợi liên quan đến tổ chức, không sở hữu cổ phần trực tiếp hay gián tiếp, “chìm hay nổi” đến tổ chức tín dụng nhưng không ít thành viên độc lập và người nhà vẫn nắm cổ phần trong ngân hàng. Việc này hoàn toàn sai luật và đi ngược lại tinh thần minh bạch, công bằng của quản trị công ty nhưng nhưng không hiểu sao các cơ quan quản lý vẫn để vậy.

Việc buộc các công ty đại chúng và niêm yết phải có thành viên độc lập trong HĐQT nhằm mục đích cao nhất là bảo vệ các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ. Nhưng các thành viên độc lập đã có tiếng nói độc lập chưa, đã bảo vệ cổ đông chưa thì ai cũng thấy là chưa.

“Vị trí độc lập trong HĐQT các ngân hàng nói riêng và các công ty đại chúng nói chung chỉ mang tính đối phó và hình thức. Nhiều thành viên độc lập như bù nhìn, đến ngân hàng ngồi chơi cho đủ mâm bát”, một thành viên độc lập trong ngân hàng cổ phần xin giấu tên chia sẻ với phóng viên.

Có ngân hàng có chủ tịch HĐQT là thành viên độc lập nhưng thực sự ủy quyền toàn bộ cho phó chủ tịch hay chỉ làm theo những gì vị phó quyết, bởi vị phó kia mới là cổ đông lớn nhất nắm ngân hàng.

“Người ta là chủ người ta quyết, mình chẳng bao giờ can thiệp được”, vị này cho biết. Nhưng nếu có chuyện thì tất nhiên vị chủ tịch HĐQT và là thành viên độc lập sẽ vẫn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Rủi ro này, qua tấm gương ông Trần Xuân Giá, là rất lớn và thậm chí “cay đắng” với những người làm thuê cao cấp này.

Quy định pháp lý hiện nay cũng không quy định rõ trách nhiệm thành viên HĐQT độc lập đến đâu, cần được đào tạo qua những kỹ năng thế nào và thực tế chưa từng có thành viên HĐQT độc lập nào được đào tạo về “nghề” này tại Việt Nam. Trách nhiệm và quyền lực của họ được hiểu là một lá phiếu trong HĐQT nhưng sự độc lập của lá phiếu tới đâu thì không ai dám trả lời.

Theo Hồng Phúc

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn