Cựu chủ tịch VDB được bầu vào Hội đồng quản trị BIDV

Ông Tùng nguyên là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)... vừa được bầu vào Hội đồng quản trị BIDV. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị nâng lên 9 người nhưng chức danh Chủ tịch của BIDV vẫn khuyết.
Ông Phạm Quang Tùng (người cầm hoa) và ban lãnh đạo BIDV. Ảnh: Minh Sơn
Ông Phạm Quang Tùng (người cầm hoa) và ban lãnh đạo BIDV. Ảnh: Minh Sơn

Chiều 21/4, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Trọng tâm của phiên họp lần này, cũng như những năm gần đây, xoay quanh hai vấn đề chính là tăng vốn và nhân sự ban lãnh đạo ngân hàng.

Theo đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) BIDV đã trình và được thông qua việc bổ nhiệm ông Phạm Quang Tùng vào vị trí thành viên, đồng thời miễn nhiệm hai thành viên khác là ông Nguyễn Huy Tựa và bà Lê Thị Kim Khuyên. Cả hai nhân sự rời khỏi Hội đồng quản trị đều do đến tuổi nghỉ hưu.

Ông Tùng nguyên là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Trước khi sang VDB, ông từng giữ vị trí Phó tổng giám đốc của BIDV. Ông bắt đầu làm ở BIDV từ năm 1996 và từ 2006 đến 2010 giữ chức Giám đốc Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC). Từ tháng 10/2010 đến cuối tháng 5/2016, ông là Phó tổng giám đốc BIDV kiêm Chủ tịch HĐQT công ty bảo hiểm BIC.

Tuy bầu thêm nhân sự mới vào HĐQT, chức danh chủ tịch của nhà băng này vẫn chưa được định đoạt. Theo ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV, hiện nhà băng này chỉ có nhân sự phụ trách HĐQT và chưa có kế hoạch cho việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị. 

BIDV khuyết vị trí Chủ tịch HĐQT sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu hồi tháng 9/2016. Sau ngày ông Hà về hưu, ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT BIDV được bầu phụ trách điều hành hoạt động của ngân hàng. Đến tháng 4/2018, ông Tuấn đã bước sang tuổi 60.

Liên quan đến vấn đề tăng vốn, Tổng giám đốc BIDV cho biết nhà băng này đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện khi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn Basel II đến gần. BIDV hiện cũng là ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn chạm ngưỡng "nguy hiểm" theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2017, BIDV đã trình và được cổ đông thông qua 4 phương án tăng vốn nhưng đều không thể thực hiện. Tại phiên họp mới tổ chức, ban lãnh đạo nhà băng này tiếp tục trình các phương án với kỳ vọng tăng vốn tối đa thêm 28%, lên 43.638 tỷ đồng. Trọng tâm của kế hoạch lần này là việc phát hành cho cán bộ công nhân viên (ESOP) 171 triệu cổ phiếu và chào bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài hơn 600 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn.

Theo ông Tú, đã có hơn 20 nhà đầu tư là các quỹ đầu tư và các định chế tài chính lớn quan tâm đến đợt chào bán của BIDV, trong đó có một nhà đầu tư đang thể hiện sự quan tâm sâu sắc.

"Từ tháng 4/2017, BIDV và nhà đầu tư này đã trải qua nhiều vòng đàm phán, về cơ bản đã đạt được một số thỏa thuận sơ bộ và phương án phát hành. Nếu các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, BIDV và đối tác sẽ tiến tới bước cuối cùng là thảo luận mức giá chào bán kỳ vọng", Tổng giám đốc BIDV nói và cho biết việc phát hành dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018.

Về kế hoạch kinh doanh, BIDV đã trình và được thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 9.300 tỷ đồng, tăng 7,3%. Nhà băng này cũng đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng tối đa 17% trong giới hạn được Ngân hàng Nhà nước giao, huy động vốn tăng 17%, cùng tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Với kết quả đạt được năm 2017, BIDV cũng dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, tương đương năm 2016.

Theo Theo VnExpress