Sau khi công bố nội dung bản án sơ thẩm, HĐXX cho phép các bị cáo đứng lên trình bày lý do kháng cáo. Phần này, tòa ghi nhận nhiều bị cáo đã tự nguyện cùng gia đình nộp thêm tiền khắc phục hậu quả. Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Long cho biết, tại phiên sơ thẩm, ông khắc phục toàn bộ 2,25 triệu USD nhận hối lộ từ Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á). Trước phiên phúc thẩm, ông tự nguyện nộp thêm 1 tỷ đồng nhằm giúp Phan Quốc Việt khắc phục hậu quả chung cho vụ án. Ngoài tình tiết trên, luật sư bào chữa cho rằng, có 3 người thân của ông Long từng được tặng nhiều huân, huy chương cao quý, đề nghị tòa ghi nhận.
Ông Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) khai đã cùng gia đình tự nguyện nộp thêm 500 triệu đồng, dù khoản nhận hối lộ của ông trước đó đã được khắc phục toàn bộ.
Ông Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) cho hay, sau khi nộp thêm 16 triệu đồng để khắc phục đủ 100% số tiền 350.000 USD đã nhận, vợ ông tự nguyện nộp thêm 50 triệu đồng vào Kho bạc Nhà nước.
Bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) cho rằng, bản thân nhận thức được hậu quả, sai phạm gây ra. Khoản tiền 27 tỷ đồng nhận hối lộ ông đã nộp đủ, song quá trình tạm giam lâu ngày khiến ông mắc nhiều bệnh như tiểu đường, huyết áp…
Các bị cáo còn lại đều trình bày thêm các tình tiết mới như nhân thân tốt; gia đình có công với cách mạng; vợ, con được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của cơ quan, tổ chức, để HĐXX cân nhắc giảm nhẹ hình phạt…
Kháng cáo vì cấp sơ thẩm chưa ghi nhận “đóng góp tích cực”
Phan Quốc Việt kháng cáo cho rằng, kit xét nghiệm của Việt Á không thuộc danh mục hàng hoá phải áp giá trần như đối với xăng, dầu. Do vậy, giá Việt Á đưa ra (hơn 470.000 đồng/kit) và các đơn vị mua hoàn toàn là “thuận mua vừa bán”.
Luật sư của Việt cho rằng, thân chủ của ông kháng cáo vì tòa cấp sơ thẩm chưa ghi nhận hết sự thành khẩn khai báo, “góp sức tích cực” của bản thân trong giai đoạn điều tra vụ án. Ngoài ra, cơ quan tố tụng quy kết bị cáo “Lợi dụng sức ảnh hưởng của dịch bệnh để trục lợi” là chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh phạm tội…
Bản án sơ thẩm cáo buộc Việt đã móc nối với các cựu quan chức thuộc Bộ KH&CN, Học viện Quân Y để Công ty Việt Á được tham gia vào đề tài nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Sau khi Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, Việt tiếp tục thông đồng để nhóm lãnh đạo Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm, hiệp thương giá kit xét nghiệm, từ đó Việt sản xuất thương mại, tiêu thụ, thu lời bất chính hơn 1.235 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 432 tỷ đồng.
Đổi lại, Việt đã đưa hối lộ 106 tỷ đồng cho nhiều người là lãnh đạo, cán bộ của một số bộ, ngành. Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc nhận hối lộ 2,25 triệu USD từ Việt. Ông Phạm Duy Tuyến được Công ty Việt Á “lại quả” 27 tỷ đồng.
Theo đó, quá trình thực hiện hợp đồng mua kit xét nghiệm phòng chống dịch ở Hải Dương, Việt đề nghị ông Tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Á bán sản phẩm, thanh toán tiền theo đơn giá đưa ra. Đổi lại, Việt Á sẽ chi 20-25% giá trị hợp đồng cho CDC Hải Dương. Trong các đợt thanh toán, nhân viên Việt Á đã tính toán để xác định số tiền phần trăm ngoài hợp đồng để chuyển cho CDC Hải Dương là 27 tỷ đồng, tương đương 20-25%. Số tiền nhận được, ông Tuyến trực tiếp đưa cho cựu Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng 600 triệu đồng và 50.000 USD; đưa cho cựu giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường 7 tỷ đồng; còn lại ông Tuyến chi cho nhân viên CDC và giữ lại chi tiêu.
Ông Nguyễn Nam Liên được Việt hối lộ 2,3 tỷ đồng; ông Trịnh Thanh Hùng nhận hơn 8 tỷ đồng…
Tại phiên sơ thẩm, ông Nguyễn Thanh Long đã khắc phục toàn bộ 2,25 triệu USD nhận hối lộ từ Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á). Trước phiên phúc thẩm, ông Long tự nguyện nộp thêm 1 tỷ đồng nhằm giúp Việt khắc phục hậu quả chung cho vụ án.
Tòa cấp sơ thẩm phạt ông Nguyễn Thanh Long 18 năm tù; ông Phạm Duy Tuyến 13 năm tù; ông Nguyễn Nam Liên 7 năm tù; ông Trịnh Thanh Hùng 14 năm tù. Ông Hùng còn chịu bản án 15 năm tù do Tòa án Quân sự Thủ đô phạt về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.