Cường điệu hóa đào tạo thạc sĩ?

PGS.TS Nguyễn Đình Nhâm, trưởng phòng Sau đại học (ĐH Vinh) cho rằng, việc đào tạo thạc sĩ tới đây "hơi cường điệu hoá", bởi nhiều trường đào tạo theo tín chỉ đã bỏ luận văn tốt nghiệp.

Thế nào là "đề tài mới"?

Những điểm thay đổi trong quy chế đào tạo thạc sĩ mới Bộ GD-ĐT thông báo áp dụng từ 1/7 tới đây vẫn còn nhiều băn khoăn.

Yêu cầu đối với luận văn trong quy chế thạc sĩ mới không nhận được sự đánh giá cao của những người làm trực tiếp.

Cụ thể: “Luận văn của chương trình theo định hướng nghiên cứu là một báo cáo khoa học, có đóng góp mới về mặt lý luận, học thuật hoặc có kết quả mới trong nghiên cứu một vấn đề khoa học mang tính thời sự thuộc chuyên ngành đào tạo”.

“Luận văn của chương trình theo định hướng ứng dụng là một báo cáo chuyên đề kết quả nghiên cứu giải quyết một vấn đề đặt ra trong thực tiễn hoặc báo cáo kết quả tổ chức, triển khai áp dụng một nghiên cứu lý thuyết, một mô hình mới... trong lĩnh vực chuyên ngành vào thực tế”.

“Hơi cường điệu hoá giai đoạn đào tạo thạc sĩ” - là nhận xét của PGS.TS Nguyễn Đình Nhâm, trưởng phòng Sau đại học (ĐH Vinh). Theo ông, trước đây quy định 20% sinh viên đại học được làm luận văn. Bây giờ đào tạo theo tín chỉ nhiều trường còn bỏ luôn luận văn tốt nghiệp.

“Như vậy, có thể nói trong trường đại học sinh viên chưa biết làm nghiên cứu khoa học, trừ một số ít ỏi những em say mê có tham gia làm một vài nghiên cứu trong quá trình học.

Vì thế, học cao học là giai đoạn tập làm nghiên cứu, học viên tìm hiểu vấn đề, biết lựa chọn vấn đề, trình bày vấn đề, dần trở thành nhà nghiên cứu.

Đây cũng là xu hướng chung của đào tạo cao học ở nước ngoài, giai đoạn đào tạo này chủ yếu tập trung vào việc học. Tính chất khoa học của một luận văn thạc sĩ không nhiều, không yêu cầu cao đến thế. Nghiên cứu là bình thường, nhưng tìm ra cái “mới” là ghê gớm. Có thể quan niệm mềm hơn về vấn đề nghiên cứu, tìm ra cái mới cho chính bản thân mình là được rồi” – ông Nhâm đề nghị.

Cán bộ phụ trách mảng sau đại học của một trường đại học lớn ở Hà Nội nhận xét: “Xác định như thế nào là đề tài mới khá là khó. Theo tôi, có thể đề tài cũ nhưng nghiên cứu  theo cách thức mới, cách tiếp cận mới, hướng đi mới… là đạt yêu cầu”. 

Băn khoăn quy định miễn đánh giá ngoại ngữ

Vấn đề khiến khá nhiều cơ sở đào tạo băn khoăn khi quy chế đưa ra quy định các đối tượng được miễn thi đầu vào môn ngoại ngữ, cũng như học viên được miễn đánh giá học phần ngoại ngữ, đủ điều kiện về ngoại ngữ....

Theo TS Phạm Thị Liên, trưởng khoa Sau đại học (Trường ĐH Công đoàn), việc thực hiện quy chế mới khó khăn ở chỗ Bộ GD-ĐT quy định “thủ trưởng cơ sở đào tạo phải thẩm định và chịu trách nhiệm về tính xác thực của chứng chỉ ngoại ngữ trước khi công nhận tương đương”.

"Thế nhưng, Bộ không quy định rõ những chứng chỉ ngoại ngữ do cơ sở nào cấp, nên các đơn vị đào tạo sau đại học chúng tôi không biết như thế nào để xác định?" - bà Liên đặt câu hỏi. Việc miễn đánh giá học phần ngoại ngữ cũng chưa rõ ràng. Bộ phận sau đại học ở mỗi trường có trách nhiệm tham mưu cho hiệu trưởng, nhưng phải có chuẩn mực đưa ra mới tham mưu được.

PGS.TS Nguyễn Đình Nhâm phân tích sự “chưa rõ ràng” đối với việc miễn đánh giá học phần ngoại ngữ, ở chỗ:

“Trong khung chương trình đào tạo vẫn có môn ngoại ngữ. Vậy những người được miễn đánh giá ngoại ngữ có tính điểm ngoại ngữ trong điểm trung bình chung các học phần không? Nếu tính thì tính bao nhiêu điểm, người đã có bằng tiến sĩ tính bao nhiêu điểm, thạc sĩ bao nhiêu điểm, học viên có chứng chỉ ngoại ngữ được tính bao nhiêu điểm? Bộ không cụ thể hoá việc này, mà các cơ sở đào tạo cũng không thể tự đề xuất được.

Nếu không tính điểm ngoại ngữ vào điểm trung bình chung đối với các học viên được miễn ngoại ngữ, thì có đưa điểm môn triết vào không vì đây cũng là môn điều kiện?”.

Nên lùi thời gian thực hiện đầu năm 2015

Một cán bộ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, quy chế áp dụng ngay trong tháng 7 là hơi gấp. Vì những trường dự kiến tuyển sinh vào dịp tháng 7 đã phải chuẩn bị, thông báo từ tháng 2. Còn quy chế mới đến giữa tháng 5 mới ban hành.

“Đối với một việc như tuyển sinh không ngay lập tức được. Trường chúng tôi cần xác định các môn học chuyển đổi bổ sung cho các chuyên ngành gần, chuyên ngành đào tạo có liên quan theo quy định mới. Rồi còn các việc như tổ chức ôn thi, xác định môn thi. Vì vậy cần có thời gian cho cơ sở đào tạo thực hiện”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Nhâm nhận xét chỉ một vài trường có sức hút lớn mới tổ chức tuyển sinh cao học một lần trong năm, còn lại đa số là hai lần, với lần đầu chủ yếu là tháng 3, tháng 4 vừa qua. “Nếu áp dụng quy chế mới  ngay từ tháng 7 này các trường không chuẩn bị kịp, và tuyển sinh trong cùng một năm mà nửa trước, nửa sau lại vênh nhau từ chương trình đến học phí… thì khá “vô duyên”.

Theo tôi, Bộ nên cho lùi lại tới đầu năm 2015, để các trường kịp chuẩn bị cũng như lắng nghe ý kiến phản hồi từ các trường, còn vấn đề gì khúc mắc nên hướng dẫn hoặc sửa đổi trước khi áp dụng”.

Theo Ngân Anh

Theo VietNamNet