Cuộc đua nào cho các siêu ứng dụng?

Nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ đã nhận được hàng tỷ đô la đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau để trở thành siêu ứng dụng tại Việt Nam. Những ứng dụng này đã trở thành nền tảng chính thu hút hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thông qua mô hình kinh tế chia sẻ, tạo ra doanh thu cao hơn và chi phí thấp hơn.
Siêu ứng dụng này đã trở thành nền tảng chính thu hút hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ

Cùng với sự phát triển chung, các công ty khởi nghiệp công nghệ không loại bỏ các doanh nghiệp truyền thống mà giúp họ tham gia vào xu hướng chia sẻ kinh tế để tăng hiệu quả kinh doanh.

Sau khi tạo ra những cú đột phá khắp cả nước bằng các ứng dụng gọi xe công nghệ, những doanh nghiệp như Grab và Go-Viet đã tiết lộ tham vọng của họ là chuyển đổi thành nhà cung cấp siêu ứng dụng đa mục đích. Các siêu ứng dụng này cung cấp một loạt các dịch vụ như thuê xe và giao thức ăn, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có cơ hội tham gia các nền tảng để tiếp cận hàng triệu khách hàng.

Sau khi ra mắt tại Việt Nam vào năm ngoái, GrabFood đã nhanh chóng tăng gấp 23 lần đơn hàng giao thức ăn, đưa Việt Nam trở thành thị trường giao thực phẩm phát triển nhanh thứ hai trong khu vực. Số lượng các đối tác thương mại của Grab như nhà hàng và cửa hàng trà sữa đã tăng gấp 4 lần để phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng. Nhờ nền tảng này, các cửa hàng chính thống có thể thiết lập cửa hàng trực tuyến để tăng doanh số của họ.

Rajiv Chandna, người đứng đầu bộ phận Chiến lược & Phát triển Kinh doanh của Grab Financial Group, chia sẻ rằng Việt Nam vẫn là một trong những thị trường trọng điểm của Grab và đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển nhanh chóng của công ty trong vài năm qua.

Với số lượng dân cư đông đúc vẫn chưa có tài khoản ngân hàng và quyền truy cập hạn chế vào thẻ tín dụng, Grab đã xác định một vị trí thích hợp để phát triển nền tảng công nghệ tài chính qua thương vụ bắt tay hợp tác với Moca.

Chandna cũng cho rằng, một xã hội không dùng tiền mặt sẽ sớm trở thành hiện thực, nhờ vào làn sóng rót vốn mạnh mẽ chảy đến lĩnh vực này. Những thay đổi này đã thúc đẩy Grab Financial Group tăng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tài chính.

Để trở thành một siêu ứng dụng, Grab đã nhận được sự đầu tư và hợp tác với nhiều “ông lớn” trong ngành công nghiệp trên toàn cầu như Toyota, Huyndai, Microsoft và Mastercard. Vào tháng 3, Grab đã nhận được hơn 1,46 tỷ USD tài trợ trong vòng gọi vốn mới nhất của mình từ Quỹ Tầm nhìn của Softbank. Việc ‘bơm’ vốn này mang lại tổng vốn tài chính gọi được trong vòng Series H hiện tại của Grab lên đến hơn 4,5 tỷ USD.

Grab cũng đã dự định sử dụng các quỹ để thúc đẩy tầm nhìn siêu ứng dụng của mình tại Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam. Grab có kế hoạch mở rộng các ngành như dịch vụ tài chính, giao đồ ăn và giao hàng, với mục đích mang lại nhiều dịch vụ hơn mỗi ngày, khả năng tiếp cận và tiện lợi hơn cho người dùng. Tham vọng của Grab là trở thành một siêu ứng dụng đáp ứng mọi nhu cầu hàng ngày cho người tiêu dùng.

Siêu ứng dụng này không giấu diếm mong muốn hợp tác với các đối tác để cung cấp vận chuyển an toàn, đáng tin cậy và chi phí hợp lý đối với cả di chuyển, thực phẩm, gói hàng, giao hàng tạp hóa, thanh toán di động và dịch vụ tài chính cho hàng triệu người dân Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, siêu ứng dụng Grab cũng được thiết kế để phục vụ tối đa nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của người Việt, với cam kết tiếp tục đưa Việt Nam phát triển, tiến đến nền kinh tế kỹ thuật số. Nhờ nền tảng công nghệ dẫn đầu, Grab phục vụ nhu cầu thiết yếu (di chuyển, ăn uống, giao hàng) của 1 trên 5 người Việt mỗi tháng. Trung bình, khách hàng có thể đặt dịch vụ Grab chỉ trong 2,5 phút và số lượng chuyến xe tăng trưởng của ứng dụng này ổn định ở mức 2 con số. Mức tăng trưởng số đơn hàng giao nhận thức ăn GrabFood vào thời điểm tháng 12/2018 đã tăng 23 lần so với hồi tháng 6/2018. Trong vai trò của một siêu ứng dụng, Grab đã không ngừng mang tới nhiều lưạ chọn thanh toán không dùng tiền mặt cho hàng triệu khách hàng. Mức tăng trưởng số lượng giao dịch không dùng tiền mặt lên tới 370% so với cùng kỳ năm trước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt.

Sự hiệu quả trong vận hành của nền tảng siêu ứng dụng Grab cũng mang lại cơ hội thu nhập tốt hơn cho 175.000 đối tác tài xế. Chỉ tính riêng với các đối tác GrabBike, mức tăng trưởng thu nhập hàng tháng luôn nằm trong khoảng 20%. Các đối tác Grab nói chung khi làm việc toàn thời gian có mức thu nhập theo tháng cao hơn 100% so với mức trung bình của quốc gia.

Đối thủ cạnh tranh của Grab - Go-Viet, là công ty con tại Việt Nam của Go-Jek thuộc Indonesia, cũng đã nhảy vào phân khúc dịch vụ này. Ứng dụng này hiện cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng xe máy (Go-Bike), giao đồ ăn (Go-Food) và giao hàng giữa các cá nhân người tiêu dùng với nhau (Go-Send) tại Việt Nam. Về lâu dài, Go-Viet dường như cũng khao khát cung cấp các hàng loạt dịch vụ khác nhau, cũng như thanh toán và thương mại điện tử.

Mặc dù cũng có tham vọng phát triển thành một siêu ứng dụng cạnh tranh nhưng vào tháng 3, Go-Jek chỉ nhận được 100 triệu USD cho vòng gọi vốn mới như một phần của vòng cấp vốn Series F đang diễn ra (so với mục tiêu huy động ít nhất 2 tỷ đô la). Nguồn tiền mới nhất đến từ nhà đầu tư hiện tại Astra International, một tập đoàn của Indonesia để giúp Go-Jek thúc đẩy kế hoạch thâm nhập của mình.

Các nhà phân tích cũng tin rằng các siêu ứng dụng có thể thay đổi cách thức kinh doanh tại Việt Nam trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Bị đe dọa bởi sự cạnh tranh, các tập đoàn truyền thống, các cửa hàng tư nhân hoặc ứng dụng công nghệ tài chính có thể chọn đứng lên chống lại hoặc hợp tác với các nhà phát triển ứng dụng này, thúc đẩy các trận chiến dữ dội hoặc bắt tay liên kết đa ngành. Các loại công việc mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, cũng có thể được tạo ra từ đó.