Có lẽ Nguyễn Văn Tùng là diễn viên tay ngang được nhiều khán giả nhớ mặt, thuộc tên nhất hiện nay. Ngay từ vai diễn chạm ngõ điện ảnh đầu tiên, anh đã được khán giả yêu mến gọi "chết" tên nhân vật – ông Danh của "Dốc tình".
Phải mất nhiều năm sau, người ta mới đổi cho anh bằng một cái tên khác, "ông trùm" buôn ma túy - Chiến "Lão Phật Gia" trong phim hình sự được yêu thích trên sóng truyền hình Việt Nam "Tam Giác Vàng". Và đó lại là một nhân vật phản diện.
Mặc dù báo chí cũng đã viết về anh khá nhiều nhưng người ta vẫn chưa rõ một chân dung trọn vẹn và đầy đủ về người đàn ông này...
Trưởng thành từ cái nôi võ thuật
Nguyễn Văn Tùng sinh năm 1962 tại thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai – mảnh đất hấp thụ nhiều môn phái võ thuật cổ truyền từ Bình Định, Tây Sơn đến Phú Yên tụ về. Nơi đây được coi là cái nôi thi đấu võ đài một thời của Việt Nam.
Anh là con trai lớn trong một gia đình lao động bình thường. Được xem đấu võ từ nhỏ, anh mê lúc nào không biết. Nhưng cha mẹ sợ con hiếu thắng, ham đánh nhau nên không ai ủng hộ anh theo học.
Anh kể: "Trước khi học Vịnh Xuân Quyền, tôi đã từng học nhiều môn phái khác nhau. Cha mẹ tôi hồi đó không thích con học võ, họ sợ tôi hiếu thắng mà ham đánh đấm nhưng khi học võ rồi, tới một đẳng cấp nào đó, tính khí sẽ đằm lại".
Anh bảo Vịnh Xuân Quyền là môn võ giúp con người tự vệ nhiều hơn, đó cũng chính là lý do anh chưa bao giờ thi đấu võ đài.
Anh chia sẻ: "Vịnh Xuân Quyền gần như có lời nguyền là môn sinh học để giúp người, tự vệ chứ không thi đấu và cũng không truyền thụ. Muốn truyền lại cho người khác phải được sự thống nhất từ những vị tiền bối. Và người đó phải hội tụ đầy đủ phẩm chất đạo đức".
Anh cũng chia sẻ thêm rằng, ở Việt Nam, người ta thường giấu nghề, giữ tuyệt chiêu cuối để phòng thân. Thậm chí, cha truyền cho con cũng vậy. Đó là lý do, tại sao những môn võ bí truyền của Việt Nam bị mất dần.
Anh kể: "Ở quê tôi có môn phái Bình Định gia cổ truyền. Người cha võ sư truyền dạy cho con nhưng con trai ông rất hung hăng, hay thách đấu võ đài, lúc nào cũng muốn mình là số 1.
Có một đêm, người con giả dạng ăn trộm đột nhập vào nhà để thách đấu với cha. Lúc đấu, người cha nhận ra con trai mình qua những chiêu thức. Sau một hồi bất phân thắng bại, ông phải dùng tới tuyệt chiêu cuối cùng mới hạ được con trai".
Bản thân Nguyễn Văn Tùng đến giờ vẫn chưa thu nhập môn đệ nào dù anh luôn sẵn sàng ngồi xuống đàm luận về võ thuật và các chiêu thức. Anh bảo, một phần lý do đó là vì anh quá bận!
Suốt 3 tháng, ngày nào cũng đánh nhau với giang hồ
Học hết phổ thông, thay vì thi đại học, Nguyến Văn Tùng khăn gói xuống Sài Gòn tìm việc kiếm sống. Nhờ giỏi Vịnh Xuân Quyền nên anh bén duyên với nghề vệ sĩ.
Anh từng bảo vệ cho nhiều ngôi sao nổi tiếng thế giới, tỷ phú và các cầu thủ bóng đá quốc tế tới Việt Nam như Cổ Thiên Lạc, Phạm Văn Phương, Jang Dong Gun, Kim Nam Joo, Bi Rain, T-ara, Ruud van Nistelrooy...
Hơn 30 năm gắn bó với công việc này, điều khiến anh tự hào nhất là nhiều khách hàng yêu cầu đích danh anh phải là người bảo vệ an ninh cho họ trong các sự kiện.
Và sau những lần hợp tác với an ninh nước ngoài, anh được đánh giá là người làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc và trách nhiệm.
Kể về công việc này, anh nói: "Văn hóa mỗi nước đều có nét đặc thù riêng. Người Hàn Quốc thích khuếch trương đánh bóng tên tuổi cho ngôi sao của họ nên rất kỹ lưỡng trong việc bảo vệ.
Họ đặt ra những tiêu chí khắt khe trong hợp đồng. Ví dụ, phải đưa ra những phương án giải quyết cụ thể cho từng trường hợp cụ thể, chi tiết về thời gian.
Hiểu được yêu cầu và văn hóa của họ, hiểu được lộ trình cũng như văn hóa của người dân nước mình nên tôi thường tìm hiểu kỹ độ hot của những ngôi sao đó ở Việt Nam như nắm được lượng fan ra sao, fan cuồng thường làm gì để tránh không cho họ tiếp xúc quá đáng với thần tượng.
3 năm trước, nhóm nhạc T-ara sang Việt Nam. Có những người từ Hà Nội bay vào Sài Gòn, mướn khách sạn mà thần tượng mình ở để tiện tiếp cận. Họ làm mọi cách đề thâm nhập cho bằng được.
Tất nhiên, họ có quyền làm việc đó. Nhiệm vụ của tôi là làm sao cho khách hàng của mình an toàn nhưng cũng không được xúc phạm tới fan của họ.
Người Hàn Quốc rất quan trọng chuyện nhân viên an ninh xúc phạm tới fan, họ sợ ảnh hưởng tên tuổi nên làm gì cũng phải tránh xảy ra xô đẩy".
Anh cũng cho biết, từ khi làm nghề bảo vệ an ninh tới nay, anh gần như chưa bao giờ phải đánh đấm. Thế nhưng anh bảo, cuộc đời làm nghề của mình có một quãng thời gian kinh hoàng. Suốt mấy tháng ròng, ngày nào anh cũng phải đánh nhau với giang hồ.
"Năm 2000, một thương hiệu siêu thị khá nổi tiếng lần đầu tiên mở ở Đồng Nai. Ở đó khét tiếng nhiều giang hồ. Vì thế nạn trộm cắp diễn ra kinh hoàng. Đó là quãng thời gian phức tạp nhất. Hầu như ngày nào tôi cũng phải đánh nhau, suốt mấy tháng mới trấn lại được đám giang hồ ở đó".
"Ham vui" với điện ảnh
Nguyễn Văn Tùng bảo đóng phim chỉ là nghề tay trái, "làm thêm" khi không có nhiều việc bên nghề bảo vệ an ninh. Chính vì thế, anh thường nhận những phim ngắn và quay gần thành phố vì công việc vệ sĩ không cho phép anh đi xa hay tham gia phim dài tập.
Mặc dù là một võ sư nhưng Nguyễn Văn Tùng được biết đến với những vai rất đỗi đời thường như một gã si tình, một ông bố với đẩy đủ hỉ nộ ái ố, một tay trùm buôn ma túy với vẻ ngoài lương thiện...
Phim võ thuật đầu tiên anh đóng là "Sám hối" của Peter Hiền - một đạo diễn người Ấn gốc Việt và vẫn đang trong thời gian quay. Dù là phim võ thuật nhưng với vai một ông thầy dạy võ, các cảnh quay của anh gần như rất ít đánh đấm.
Tôi hỏi anh có hụt hẫng không, anh cười trả lời: "Nếu có võ mà chỉ đóng phim võ thuật thì làm sao đủ phim cho mình đóng. Tôi đóng vai nào cũng được và chỉ thất vọng khi mình không làm tốt vai diễn".
Nguyễn Văn Tùng tự hào nhận mình là diễn viên có lý lịch trong sạch nhất trong giới showbiz phức tạp hiện nay. Có lẽ nhờ tố chất làm an ninh trong người nên anh luôn đúng giờ và chạy thẳng về nhà khi kết thúc công việc, không la cà nhiều chuyện.
Tất nhiên, sống trong giới showbiz nên anh cũng gặp muôn vàn câu chuyện mặt trái của nghề. Anh biết nhiều diễn viên bị trù dập, thậm chí đóng phim đã không có tiền cát-xê còn bị vòi vĩnh tiền, tình nên khi nổi tiếng họ quay lại ức hiếp người khác như một cách trả thù quá khứ.
Anh cũng gặp không ít diễn viên có chút tên tuổi, biết đạo diễn cần mình cho vai diễn nên yêu sách, đòi hỏi chế độ khác biệt so với mọi người...
Vì ngại đụng chạm nên anh không đứng ra can thiệp, dù vậy khi có điều kiện, anh nói chuyện với họ về những điều mình trải qua để khuyên họ một cách tế nhị.
Tôi hỏi, anh có bị bắt nạt không? Anh bảo "Mọi người nghĩ nghề chính của tôi đã thành đạt rồi, có làm điện ảnh cũng chỉ là ham vui chứ không vì tiền bạc, danh vọng mà bon chen, đấu đá. Có lẽ vì thế mà họ... tránh tôi ra".
Có lẽ đó chỉ là một cách nghĩ "lạc quan" của anh. Bởi lẽ, không ít lần anh phải ngồi đợi từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều không ăn uống gì chỉ để đóng một vai nhỏ. Nghe chuyện này, nhiều người nghĩ anh bị lợi dụng, bị ăn hiếp nhưng Nguyễn Văn Tùng nghĩ khác.
"Tôi có thể ngồi đó suốt nhiều tiếng đồng hồ nhưng không bị hoang mang bởi bất cứ chuyện gì diễn ra xung quanh. Đợi từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không cần ăn uống nhưng tôi cũng không buồn phiền.
Có những người xung quanh nói rằng tôi bị lợi dụng nhưng tôi không quan tâm. Họ bảo, người ta vì miếng cơm nên chấp nhận bị mệt mỏi còn tôi không vì tiền, không vì danh vọng sao phải chịu như thế.
Nhưng tôi nghĩ họ lợi dụng mình làm gì? Nếu bất mãn thì tôi có quyền không chấp nhận, có quyền bỏ vai diễn. Còn khi đã chấp nhận thì nên thông cảm bởi ê-kíp phụ thuộc nhiều yếu tố".
Dù vậy, Nguyễn Văn Tùng cho biết anh khá kén vai. Anh chỉ nhận lời làm việc với những người mình quý mến và họ cũng phải hiểu được tính anh. Làm việc với ê-kíp nào vui, anh sẽ nhận lời, thậm chí không lấy cát-xê. Nhưng làm mà không vui thì dẫu bao nhiêu tiền anh cũng từ chối.
Anh bảo, từ ngày bước chân vào nghiệp diễn, đã 15 năm nhưng anh chưa bao giờ tham gia các sự kiện trong giới. Sống gần như tách biệt và chấp nhận con đường cô độc trong showbiz nhưng Nguyễn Văn Tùng vẫn không tránh được những thị phi trong nghề.
Anh kể: "Có nhiều phụ nữ thích tôi nhưng tôi luôn giữ khoảng cách với họ. Chính vì thế, người ta đồn tôi là bóng. Họ bảo, không bóng thì tại sao nhiều phụ nữ đẹp như thế, tôi không thích? Sao nhiều cám dỗ vậy mà tôi không vướng vào? Họ có quyền nói còn tôi cứ sống đúng với mình".