Cuộc chiến tranh 'thần thánh' gây chấn động thế giới
> Giới trẻ: đi khắp thế gian và phá phách
> Cựu chiến binh Xô viết thăm Việt Nam
Mạng công nghệ thông tin công trình Trung Quốc đã xếp cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân 3 nước Đông Dương vào danh sách 100 cuộc chiến có ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, Lào và Campuchia kéo dài trong 14 năm, bắt đầu vào tháng 5 năm 1961 khi Lầu năm góc bắt đầu đổ quân vào miền Nam Việt Nam và kết thúc vào tháng 4 năm 1975, khi Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống Mỹ, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập của nhân dân 3 nước Đông Dương. Trong suốt cuộc chiến tranh này, Mỹ đã đổ vào đây hơn 600.000 quân, sử dụng rất nhiều loại vũ khí thông thường hiện đại nhất thế giới, nhưng nhân dân 3 nước Đông Dương anh em không sợ hy sinh, đoàn kết một lòng, cùng nhau đi đến thắng lợi cuối cùng.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Mỹ đã tích cực ủng hộ và giúp đỡ Pháp xâm lược 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, đồng thời cũng âm thầm lôi kéo và nuôi dưỡng các phần tử thân Mỹ.
Sau năm 1955, Mỹ hất cẳng Pháp khỏi Đông Dương, phái hàng loạt nhân viên quân sự đến miền Nam Việt Nam, biến “Đoàn cố vấn viện trợ quân sự Đông Dương” thành “Đoàn cố vấn viện trợ quân sự miền nam Việt Nam”, đồng thời dốc sức nuôi dưỡng và giúp đỡ chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm tiến hành các chiến dịch “Tố cộng, diệt cộng”. Tháng 5 năm 1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã ra lệnh điều động 100 lính đặc nhiệm nhảy vào miền Nam Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược 3 nước Đông Dương, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia cũng chính thức bắt đầu.
Giai đoạn đầu cuộc chiến chủ yếu do chính phủ bù nhìn họ Ngô tiến hành, Mỹ ra sức dốc tiền, hàng viện trợ và cố vấn quân sự; tích cực giúp đỡ ngụy quyền xây dựng quân đội, càn quét lực lượng Cách mạng, xây dựng các ấp chiến lược và các khu trắng để cách ly Quân giải phóng và dân chúng. Để chống lại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (Kế hoạch Staley-Taylor) của Mỹ, Mặt trận giải phóng miền nam Việt Nam đã tích cực xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích triển khai sâu, rộng chiến tranh du kích. Đầu năm 1964, lực lượng vũ trang miền nam Việt Nam đã lên tới hơn 20 vạn người, giải phóng một vùng rộng lớn chiếm 4/5 diện tích và 2/3 dân số miền Nam, từng bước hình thành thế trận có lợi, từ nông thôn bao vây thành phố, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.
Vào giữa thập niên 60, chính phủ Mỹ quyết định từng bước leo thang chiến tranh, đổ quân vào miền Nam Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược với sự tham gia một số nước chư hầu. Ngày 02/08/1964, Mỹ đã cố ý gây ra vụ va chạm giữa tàu chiến Mỹ và tàu phóng lôi Việt Nam rồi dựng lên cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc bộ”. Ngày 05/08, Mỹ đã điều động 64 chiếc máy bay, lần đầu tiên tiến hành không kích Bắc Việt, khởi đầu cho cuộc chiến trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đầu tháng 2 năm 1965, Mỹ đã huy động một số lượng lớn máy bay oanh tạc các mục tiêu trọng điểm trên miền Bắc kéo dài đến hạ tuần tháng 3.
Tháng 6 năm 1965, trước các thất bại liên tiếp trên chiến trường và tình hình chính trị rối loạn tại Việt Nam Cộng hòa, chính phủ Hoa Kỳ quyết định huỷ bỏ kế hoạch Staley-Taylor, đưa quân đội Hoa Kỳ sang trực tiếp tham chiến để giữ miền Nam khỏi rơi vào tay lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đồng thời phân Việt Nam thành 2 chiến trường: “Nam càn quét, Bắc oanh tạc”, đồng thời tiến hành song song 2 cuộc chiến tranh là “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và “Chiến tranh phá hoại” ở miền Bắc.
Trên chiến trường Nam Bộ, Mỹ khởi đầu bằng chiến lược “vết dầu loang”, lấy các căn cứ ở duyên hải từ vĩ tuyến 17 đến Sài Gòn làm cứ điểm, tiến hành tìm kiếm, càn quét lấn sâu vào vùng giải phóng. Sau khi thất bại trong chiến dịch mùa khô đầu tiên năm 1965 - 1966, Mỹ lại tiếp tục sử dụng chiến lược “tìm diệt”, trực tiếp dùng quân Mỹ tiến hành tác chiến, để quân Ngụy và chư hầu trấn giữ các yếu điểm. Vì thế, quân số Mỹ tại miền Nam liên tục gia tăng, đến cuối năm 1966 đã tăng đến 326.000 người.
Quân dân miền Nam Việt Nam nhằm đúng yếu điểm tác chiến của quân đội Mỹ, triển khai chiến tranh nhân dân với chiến thuật “dương đông kích tây, tránh mạnh đánh yếu, lấy ít địch nhiều”, đập tan chiến dịch mùa khô lần thứ 2 năm 1966 - 1967 của Mỹ, đến mùa mưa năm 1967 Quân giải phóng đã lật ngược thế cờ, chuyển thủ thành công.
Thất bại liên tiếp tại miền Nam đã khiến Mỹ phải bỏ chiến lược “tìm và diệt”, chuyển sang chiến lược “giữ và quét”, tức là quân Mỹ rút từ vòng ngoài vào vòng trong, đẩy ngụy quân ra vòng ngoài làm chủ lực, tập trung binh lực cố thủ dọc vĩ tuyến 17 và các thành phố và căn cứ quan trọng ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, đồng thời đẩy mạnh càn quét, tiêu diệt, xây dựng các khu trắng kết hợp với các hoạt động vỗ về dân chúng. Khi đó, tổng số quân Mỹ tại chiến trường miền Nam đã lên đến con số 543.500 quân, quân dân miền Nam Việt Nam chủ động nắm vững tình hình bố trí của địch, chờ đợi thời cơ.
Qua 3 năm chiến đấu trực tiếp với quân Mỹ, tuy đứng vững và chủ động mở được nhiều cuộc tiến công trên chiến trường, nhưng cơ bản cục diện vẫn đang ở trong tình trạng giằng dai, nếu tiếp tục kéo dài thì không thể giành được thắng lợi quyết định. Để xoay chuyển tình thế, tạo bước đột phá cho cuộc chiến tranh, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.
Vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, Quân giải phóng đã đồng loạt Tổng tiến công và nổi dậy khắp miền Nam, đánh vào hầu hết các thành phố, thị xã và các căn cứ quân sự của đối phương. Đây là một sự kiện gây chấn động thế giới và có một vai trò bước ngoặt trong cuộc chiến tranh, đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, buộc họ phải xuống thang ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Pari.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1961 đến năm 1968, lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam Việt Nam tiêu diệt và làm bị thương hơn 130.000 lính Mỹ.
(còn nữa)
Theo Anninhthudo