Mở cửa hệ thống bán sỉ, bán lẻ
Giữa tháng 8/2022, Cuba thông báo mời gọi đầu tư nước ngoài vào hệ thống thương mại bán sỉ và bán lẻ sản phẩm để đảm bảo nguồn cung ổn định, Thông tấn xã Cuba Prensa Latina đưa tin. Bộ trưởng Bộ Nội thương Betsy Diaz nói rằng, đây là cơ hội để dần loại bỏ tình trạng thiếu hụt hàng hóa mà Cuba đang phải đối mặt vì các dự án lớn chủ yếu nhằm vào sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, không liên quan đến thương mại.
Tháng 8/2022, trên truyền hình quốc gia, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Thương mại và Đầu tư Cuba, bà Ana Teresita Gonzalez, tuyên bố Cuba đã ưu tiên đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, nay bổ sung thu hút nguồn vốn ngoại trong thương mại bán sỉ. Hiện có hai dự án và một số đề xuất trong lĩnh vực này đang được xem xét.
Về đầu tư nước ngoài trong hoạt động thương mại, Bộ trưởng Diaz cho biết, trong trường hợp thương mại bán lẻ, chỉ có liên doanh và hội kinh tế quốc tế được cấp phép; còn với thương mại bán sỉ, đối tượng cấp phép được bổ sung doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, miễn là họ có dự án khả thi và đem lại lợi ích cho Cuba. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, bà Diaz tái khẳng định rằng, việc lựa chọn các đơn vị, tổ chức hoạt động theo luật đầu tư nước ngoài để tham gia thương mại bán sỉ, bán lẻ sẽ giúp tăng hiệu quả hoạt động của ngành thương mại. Cuba sẽ ưu tiên cấp phép cho các công ty nước ngoài có chi nhánh, văn phòng đại diện ở Cuba, có lịch sử lâu đời ở đảo quốc này.
Trước Quốc hội Cuba hồi tháng 1/2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba, ông Rodrigo Malmierca, phát biểu rằng, sau khi luật đầu tư nước ngoài được thông qua năm 2014, có 285 doanh nghiệp được cấp phép, gồm 49 đơn vị hoạt động trong Đặc khu phát triển Mariel (ZEDM), và 29 dự án tái đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, năng lượng, thực phẩm và công nghiệp nhẹ. Tính đến đầu tháng 1/2022, ở Cuba có 302 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, gồm 105 liên doanh, 54 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và 144 đơn vị thuộc các hội kinh tế quốc tế.
Tổ chức Thương mại kinh tế Ấn Độ (IETO) hồi tháng 4 và tháng 9/2022 tổ chức hai đoàn doanh nghiệp thăm Cuba và dự kiến đưa đoàn thứ ba tới đảo quốc này vào tháng 11 tới, Thông tấn xã Cuba Prensa Latina đưa tin. Sau cuộc gặp với đại diện các Bộ Ngoại giao, Nông nghiệp, Y tế và Công nghiệp thực phẩm Cuba, lãnh đạo các doanh nghiệp Ấn Độ bày tỏ đặc biệt quan tâm lĩnh vực chế tạo, chế biến, điện tử, nông sản… của Cuba. Chủ tịch IETO, ông Asif Iqbal, cho biết, các công ty Ấn Độ muốn sản xuất gia vị, lúa gạo, nhiều loại lương thực, thực phẩm khác, cũng như đồ điện tử ở Cuba. “Chúng tôi muốn chế biến thực phẩm ở đây”, ông Iqbal nói.
Khơi thông vốn ngoại
Tháng 7/2022, trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Cuba, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Rodrigo Malmierca, cập nhật tình hình đầu tư nước ngoài nhằm tìm cách loại bỏ các rào cản đối với việc tiếp cận nguồn vốn nước ngoài. Ông Malmierca cho biết, trong nửa đầu năm nay, chín doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép, trong đó có một doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong Đặc khu phát triển Mariel.
Hầu hết doanh nghiệp nước ngoài đó có quy mô nhỏ, với số vốn khoảng 20 triệu USD, hoạt động trong các lĩnh vực mà Cuba đang ưu tiên thu hút, gồm sản xuất lương thực, khai khoáng, công nghiệp, thương mại bán sỉ, xây dựng, điện toán và viễn thông, và công nghệ sinh học.
Bộ trưởng Malmierca nói rằng, hầu hết doanh nghiệp nước ngoài đó có quy mô nhỏ, với số vốn khoảng 20 triệu USD, hoạt động trong các lĩnh vực mà Cuba đang ưu tiên thu hút, gồm sản xuất lương thực, khai khoáng, công nghiệp, thương mại bán sỉ, xây dựng, điện toán và viễn thông, và công nghệ sinh học. Ông cho biết, ngoài các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài đã được chỉ rõ, Cuba đang xác định một số lĩnh vực khác cho phép dòng vốn ngoại chảy vào doanh nghiệp tư nhân. Song song với đó, Cuba đang nâng cao hiệu quả của cơ chế “một cửa” ở cả cấp trung ương và địa phương. Cuba đang cân nhắc 57 dự án với tổng vốn cam kết gần 5 tỷ USD và việc cấp phép có thể diễn ra trong vòng một năm, Bộ trưởng Malmierca cho biết.
Ngày 14/7/2022, tại Diễn đàn Kinh doanh Cuba-Mexico, với sự có mặt của Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel và Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz, Phó Thủ tướng Cuba Alejandro Gil phát biểu rằng, kinh tế Cuba đã dần hồi phục trong bốn quý liên tiếp. Kinh tế Cuba đã ghi nhận sự mở rộng của khu vực tư nhân với sự xuất hiện của nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh mới và nhiều chủ thể kinh tế mới, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực mới. Tại diễn đàn, đại diện của khoảng 250 doanh nghiệp Cuba và Mexico đã trao đổi ý kiến về việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu, đầu tư sản xuất trong các lĩnh vực nông sản, logistics, chế phẩm sinh học, dược phẩm, năng lượng tái tạo… của Cuba. Kết thúc diễn đàn, có 12 văn bản hợp tác được ký kết trong lĩnh vực dệt may, thực phẩm, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, văn hóa và dịch vụ môi trường và trao đổi chuyên môn, học thuật.
Ngày 1/6/2022, tham dự Đại hội Liên đoàn người Ý trên thế giới (CIM) ở thủ đô Havana, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz phát biểu, Cuba đem đến môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, và vị trí địa lý của đảo quốc Ca-ri-bê này là một nhân tố chiến lược cho việc gia nhập thị trường đang mở rộng. “Đầu tư ở Cuba là một quyết định sáng suốt. Cuba là một thị trường an toàn, một đất nước có an ninh tốt, khống chế được đại dịch COVID-19, có trình độ giáo dục cao và người dân văn minh, hiếu khách”, Thủ tướng Cuba nói. Tiếc là lệnh cấm vận, phong tỏa của Mỹ đã làm tổn hại đến kinh tế Cuba.
“Đầu tư ở Cuba là một quyết định sáng suốt. Cuba là một thị trường an toàn, một đất nước có an ninh tốt, khống chế được đại dịch COVID-19, có trình độ giáo dục cao và người dân văn minh, hiếu khách”
Tại Đại hội CIM, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba, ông Rodrigo Malmierca, trình bày về 678 dự án mà Cuba mong muốn thu hút dòng vốn ngoại. Các dự án này tập trung vào lĩnh vực sản xuất lương thực, năng lượng tái tạo, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Bộ trưởng Malmierca cũng giới thiệu về các dòng sản phẩm, dịch vụ nổi bật của Cuba trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông sản và du lịch.
Sức hút ngành đường
Một số dự án đầu tư nước ngoài sẽ đóng góp vào sự phát triển của ngành đường của Cuba, báo Cuba Granma đưa tin ngày 29/6. Giám đốc bộ phận quan hệ quốc tế, kinh doanh và đầu tư nước ngoài của Nhóm Kinh doanh Đường (Azcuba), bà Lourdes Castellano, nói rằng, chín trong số 25 dự án thuộc danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2022 tập trung vào hiện đại hóa các nhà máy đường. Trong số dự án hiện đại hóa ngành mía đường Cuba có một dự án của Venezuela, một của Uruguay, hai của Nga… Ngoài ra, có 6 dự án sẽ được thực hiện trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Một số doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất đường hữu cơ, Sorbitol (phụ gia tạo vị ngọt), rượu rum…
Các doanh nghiệp nông nghiệp Cuba hiện có 56 nhà máy đường với trang thiết bị xuống cấp. Cuba quyết định thành lập các liên doanh với nước ngoài để hiện đại hóa các nhà máy đường.
Tháng 7/2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba, ông Rodrigo Malmierca, thăm Honduras để thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương. Hai bên đã ký biên bản ghi nhớ tăng cường phối hợp, hợp tác trong lĩnh vực y tế, giao thông vận tải, giáo dục và thể thao.