Cử tri ‘thúc’ Hà Nội thu hồi những dự án ‘ôm’ đất bỏ hoang nhiều năm

TPO - Cử tri huyện Hoài Đức, huyện Quốc Oai đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra và xử lý thu hồi những dự án đã được phê duyệt quá thời hạn không triển khai thực hiện.
UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố khóa XV, trong đó có nội dung về việc xử lý, thu hồi những dự án “ôm” đất bỏ hoang suốt nhiều năm.
Theo đó, cử tri huyện Hoài Đức, huyện Quốc Oai đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo kiểm tra và xử lý thu hồi những dự án đã được phê duyệt quá thời hạn không triển khai thực hiện.
Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư, một trong những dự án “đắp chiếu” gần 10 năm trên địa bàn huyện Hoài Đức vừa bị đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội yêu cầu tiến hành thanh tra, kiểm tra.
Về vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện Luật đất đai năm 2013 và các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, UBND Thành phố đã có các Kế hoạch và Văn bản chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời, thực hiện Chương trình giám sát năm 2018 của HĐND Thành phố Hà Nội về tổ chức Đoàn giám sát tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Đoàn Giám sát của HĐND Thành phố Hà Nội đã tiến hành giám sát đối với Dự án.  
Sau đó, UBND Thành phố đã có các văn bản số 4677/UBND-ĐT ngày 2/10/2018 chỉ đạo biện pháp xử lý đối với 39 dự án dừng triển khai và công văn số 4846/UBND-ĐT ngày 9/10/2018 về chỉ đạo rà soát, kiểm tra 383 dự án có sử dụng đất trên địa bàn Thành phố.
Được biết, huyện Hoài Đức là nơi tập trung nhiều dự án chậm triển khai. Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, toàn thành phố có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Trong đó, Hoài Đức có nhiều dự án chậm triển khai nhất với 51 dự án.