'Cu li không bao giờ khóc': Hà Nội và những ký ức không trở lại

TPO - Với diễn xuất xuất sắc của NSND Minh Châu và cách thể hiện giàu chất thơ, “Cu li không bao giờ khóc” mang đến một trải nghiệm điện ảnh độc đáo. Bộ phim đã để lại dư âm mạnh mẽ khi truyền tải thông điệp về những ám ảnh của quá khứ và nỗi lo sợ tương lai.

Cu li không bao giờ khóc (Tựa quốc tế: Cu Li Never Cries) là phim Việt gây chú ý khi thắng giải Phim đầu tay xuất sắc tại LHP Berlin 2024. Tác phẩm có hành trình dài chinh phục khán giả quốc tế trước khi công chiếu tại quê nhà.

Ngồi ghế đạo diễn là nhà làm phim trẻ Phạm Ngọc Lân (sinh năm 1986). Anh mang đến một tác phẩm lạ, lạ từ nhan đề đến cách xây dựng kịch bản, xử lý tình huống… từ đó tạo nên trải nghiệm mới mẻ và thú vị cho người xem.

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”

Đặt bối cảnh giữa thủ đô Hà Nội, nội dung phim xoay quanh mối quan hệ giữa hai người phụ nữ: Bà Nguyện (NSND Minh Châu) và cô cháu gái Vân (Hà Phương).

Sau chuyến đi châu Âu để nhận hài cốt chồng cũ, bà Nguyện trở về Hà Nội với một con cu li nhỏ - thú nuôi của chồng bà, vốn là loài linh trưởng đặc hữu của bán đảo Đông Dương.

Về sống với Vân, bà phát hiện cháu gái có thai ngoài ý muốn với một thanh niên lông bông, không nghề nghiệp ổn định. Trong khi đó, Vân còn trẻ nhưng khuyết tật, “chạy bầu” bằng cách vội vã chuẩn bị đám cưới.

Vốn là người tôn trọng những giá trị truyền thống, bà Nguyện không chấp nhận chuyện “ăn cơm trước kẻng”. Lo sợ cháu gái đi theo vết xe đổ của đời mình, bà kịch liệt phản đối đám cưới của Vân...

Phim kể lại số phận của hai phụ nữ ở thế hệ khác biệt.

Xuyên suốt phim, người xem chứng kiến mâu thuẫn thế hệ được xử lý một cách tinh tế. Người dì lớn tuổi bị đời sống hiện tại bỏ quên, luôn tìm cách bám víu vào quá khứ với biết bao kỷ niệm. Người cháu thì non nớt, đầy bất định về tương lai mới cùng chồng.

Số phận hai dì cháu cứ đan xen vào nhau rồi họ dần xích lại gần nhau, thấu hiểu và hàn gắn những vết thương lòng.

Khai thác câu chuyện của bà Nguyện và Vân, đạo diễn Phạm Ngọc Lân chọn lối kể từ tốn, tiết chế lời thoại để tập trung vào ngôn ngữ điện ảnh với nhiều khung hình đầy ẩn ý.

Hình ảnh con cu li trong phim tượng trưng cho nỗi ám ảnh quá khứ, là dấu vết còn sót lại trong cuộc đời bà Nguyện. Bà mang nó về nhà như một cách níu giữ ký ức về người chồng cũ, một mảnh ghép của những tháng ngày đã qua.

Sự lặng lẽ và cô độc của con cu li, phần nào phản chiếu nỗi trống trải bên trong bà Nguyện, đồng thời cũng là cầu nối giữa quá khứ và thực tại, nơi bà tìm kiếm sự an ủi từ những kỷ niệm xưa cũ.

Thông qua câu chuyện của hai người phụ nữ, phim gửi gắm thông điệp về thời gian. Con người dù có tiếc nuối đến mấy, thì những gì đã qua trong quá khứ cũng không thể quay trở lại, “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Thay vì sợ hãi tương lai, các nhân vật học cách tha thứ cho nhau để xoa dịu nỗi cô đơn, giải thoát khỏi những uẩn ức.

Một vài hình ảnh trong phim.

Một Hà Nội khác

Trong phim, đạo diễn chọn tông màu đen trắng gợi nhớ các tác phẩm điện ảnh kinh điển. Nhiều cảnh quay như xóa nhờ ranh giới giữa không gian lẫn thời gian, thực và ảo. Người xem không rõ đang là quá khứ hay hiện tại, là suy nghĩ của nhân vật hay một giấc mơ.

Hình ảnh Hà Nội hiện lên trong phim cũng khác biệt. Đạo diễn không chọn cảnh đường phố Việt Nam đông đúc, kẹt xe thường thấy. Trái lại, phim mô tả thủ đô bằng những khung cảnh lặng lẽ như công trình đang xây dang dở, cánh đồng hoang ở ngoại ô…

Những hình ảnh này không chỉ mang đến một góc nhìn mới lạ về Hà Nội mà còn gợi lên cảm giác trống trải, sự chuyển mình dang dở của một thành phố giữa hiện đại và truyền thống, phản chiếu tâm trạng của các nhân vật trong phim.

Đạo diễn cũng chuộng thủ pháp ẩn dụ với nhiều khung hình ấn tượng, đơn cử như cảnh bà Nguyệt đứng giữa thác thuỷ điện tung bọt trắng xoá, thể hiện nội tâm đầy xáo trộn của nhân vật.

Cách khai thác này giúp bộ phim toát lên một cảm giác đầy bí ẩn, mơ hồ. Màu sắc hoài niệm khiến thủ đô hiện lên như một đô thị cổ kính, mang không khí thời xưa nhiều hơn là thời nay. Nỗi buồn trong phim cũng tạo cảm giác vừa lãng mạn vừa day dứt.

Nhiều cảnh quay nhuốm màu sắc hoài niệm, mang đến cảm giác buồn man mác.

Vào vai bà Nguyện, NSND Minh Châu tỏa sáng với nhiều đất diễn. Nhân vật không có nhiều lời thoại, đòi hỏi diễn viên phải sử dụng nhiều kỹ năng diễn xuất để bộc lộ nội tâm qua ánh mắt, cử chỉ và biểu cảm.

Từng cái nhìn hay động tác nhỏ đều chứa đựng sức nặng tâm lý, giúp khắc họa sâu sắc những giằng xé, uẩn khúc bên trong nhân vật.

Giống nhiều tác phẩm art-house (phim nghệ thuật), Cu li không bao giờ khóc có mạch phim chậm, gần như không có cao trào hay kịch tính. Điều đó khiến phim hơi khó xem, đôi khi thử thách lòng kiên nhẫn của khán giả.

Dẫu vậy, đây vẫn là một tác phẩm xứng đáng để thưởng thức bằng sự chiêm nghiệm. Với cách thể hiện giàu chất thơ, bộ phim đã để lại dư âm mạnh mẽ về những điều không dễ nguôi ngoai trong quá khứ.