Đây là một trong những trường hợp người bệnh cao tuổi nhất tại Việt Nam được thực hiện cả phẫu thuật thay khớp háng và khớp gối. Trước đây, những phẫu thuật lớn như thế này thường được chống chỉ định đối với người lớn tuổi vì có nguy cơ xảy ra nhiều tai biến, biến chứng trong quá trình phẫu thuật.
Đó là cụ bà tên V.T.S (105 tuổi, ngụ tại TPHCM). Trước đó bà S bị thoái hóa khớp gối khiến đi lại khó khăn. Trong một lần đang tự đi lại trong nhà, bà trượt chân ngã, sau đó không cử động được.
Cụ bà 105 tuổi tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật
Người nhà đưa bà đến cấp cứu tại BV ĐHYD TPHCM. Sau khi thăm khám và chụp X-quang, các bác sĩ cho biết bà bị gãy cổ xương đùi trái trên nền bệnh thoái hóa khớp gối khiến đi lại khó khăn, dẫn đến té ngã. Bà S còn mắc nhiều bệnh mãn tính như tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hạ natri máu, xơ phổi và tăng áp phổi.
PGS.TS.BS Bùi Hồng Thiên Khanh – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐHYD TPHCM cho biết, nếu không tiến hành thay khớp, người bệnh sẽ phải nằm tại chỗ vì đau nhức, không xoay trở được gây hạn chế trong ăn uống, tiểu tiện, đại tiện và khó khăn cho người chăm sóc. Điều này dễ gây các biến cố về hô hấp, tuần hoàn và suy thận như nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng tiểu, viêm loét da vùng tì đè… dẫn đến tử vong.
Trước nguyện vọng của người nhà muốn bà S có thể tự vận động trở lại, khoa Chấn thương chỉnh hình lên kế hoạch thay khớp háng bán phần bên trái và thay khớp gối cho bà.
Do tình trạng người bệnh lớn tuổi và nhiều bệnh lý nội khoa đi kèm, các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, Nội tim mạch, Ngoại Gan - Mật - Tụy, Lồng ngực mạch máu, Nội tiết, Hô hấp, Lão – Chăm sóc giảm nhẹ, Gây mê - Hồi sức, Hồi sức tích cực, Phục hồi chức năng – Vật lý trị liệu… đã nhanh chóng hội chẩn, thảo luận để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.
Cụ bà có thể tự đi đứng, sinh hoạt bình thường
Đầu tháng 8/2020, các bác sĩ tiến hành thay khớp háng bán phần cho người bệnh, phối hợp việc gây tê tủy sống và gây tê ngoài màng cứng liên tục. Ca mổ diễn ra thuận lợi.
Ngay ngày đầu tiên sau mổ, người bệnh đã có thể tự ngồi dậy xoay trở. 2 tuần sau phẫu thuật đầu tiên, người bệnh đang được tập vật lý trị liệu, chuẩn bị cho phẫu thuật thay khớp gối thì đột ngột xuất hiện triệu chứng đau dưới sườn phải, sốt cao, vàng da. Sau khi xét nghiệm, siêu âm và chụp CT bụng, các bác sĩ phát hiện người bệnh bị sỏi đường mật biến chứng.
Các bác sĩ thực hiện gây mê toàn thân liều thấp để nội soi ngược dòng lấy sỏi đường mật cho người bệnh. Đây là một thủ thuật ít xâm lấn, giúp người bệnh hồi phục nhanh, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Sau khi thực hiện thủ thuật lấy sỏi đường mật thành công, gần 1 tuần sau, người bệnh tiếp tục được thực hiện phẫu thuật thay khớp gối trong tình trạng sức khỏe ổn định.
4 tuần sau phẫu thuật, người bệnh có thể đi đứng trở lại, tình trạng sức khỏe ổn định. Trước khi xuất viện, người bệnh và người nhà được hướng dẫn các bài tập đơn giản để tiếp tục duy trì việc tập vật lý trị liệu tại nhà.
Kết quả tái khám vào tháng 10/2020 cho thấy người bệnh phục hồi tốt, có thể tự đi đứng, sinh hoạt bình thường.
"Té ngã là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người cao tuổi. Khi té ngã, người cao tuổi rất dễ gãy xương do tình trạng lão hóa, mật độ xương thấp. Do đó, cần bổ sung canxi trong chế độ ăn cho người lớn tuổi, tăng cường tập luyện thể thao và khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa nguy cơ loãng xương. Trong trường hợp người cao tuổi bị gãy xương cần nhanh chóng cố định vùng bị gãy và đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa xương khớp – chấn thương chỉnh hình để được chẩn đoán, điều trị kịp thời" - BS Khanh khuyến cáo.