CT, cộng hưởng từ và scanner khác nhau thế nào?

Với các bệnh liên quan đến xương, hình ảnh CT giúp chẩn đoán dễ hơn. Đối với các cơ mềm thì MRI tốt hơn, MRI phát hiện được ung thư ở giai đoạn sớm.
Ảnh minh hoạ: Internet

Hỏi:

Tôi và người nhà đi khám bệnh, được chỉ dẫn khi thì chụp CT, khi thì scanner, hoặc cộng hưởng từ. Xin hỏi, ba loại chẩn đoán này khác nhau chỗ nào? Loại nào cho kết quả đoán bệnh tốt hơn?cahao…@yahoo.com

Trả lời:

- Scanner là máy quét.

- CT là máy chụp dùng tia X.

- MRI là máy sử dụng từ trường và sóng radio.

Scanner là danh từ chung chỉ chiếc máy quét, giống như cái họ của một người, đi kèm phía sau sẽ là tên. Khi bác sĩ chỉ định scanner thường nói thêm phần phía sau, ví dụ như scanner CT hay cộng hưởng từ (MRI). Như vậy, hai kỹ thuật cần so sánh là MRI và CT.

MRI được sử dụng để kiểm tra gần như mọi cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong việc chụp ảnh chi tiết não bộ, cột sống. Chụp MRI, bác sĩ biết được địa điểm thương tổn cũng như tình hình bệnh. Điều này giúp việc chẩn đoán và lên phương án mổ hiệu quả, giải quyết bệnh hiệu quả hơn vì đã biết trước “đường đi nước bước” của bệnh. Chụp MRI tốn nhiều thời gian và giá cao.

CT là máy chụp dùng tia X, giúp tầm soát và xác định bệnh nhanh, vì chỉ cần chụp là có kết quả. Trong điều trị bệnh, ví dụ như ung thư, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT trước và sau điều trị vì rẻ hơn, nhanh hơn MRI.

Với các bệnh liên quan đến xương, hình ảnh CT giúp chẩn đoán dễ hơn. Đối với các cơ mềm thì MRI tốt hơn, MRI phát hiện được ung thư ở giai đoạn sớm.

Mỗi loại máy đều có ưu khuyết điểm, MRI phát hiện bệnh chính xác hơn nhưng tốn nhiều thời gian, không phù hợp với các trường hợp cấp cứu, cần kết quả ngay.

BS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa TP.HCM

Theo Theo PNO