CPI nhiều địa phương giảm tháng thứ 3 liên tiếp

TPO – Theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vừa được nhiều tỉnh, thành công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tại các địa phương này tiếp tục xu hướng giảm phát.
CPI nhiều tỉnh thành giảm tháng thứ 3 liên tiếp.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, CPI tại thành phố tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp (-0,29%) và cũng là mức giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua.

Trong khi đó, Long An cũng ghi nhận mức giảm phát 0,06%, Đà Nẵng âm 0,21% và Đồng Nai âm 0,25%.

Hiện vẫn chưa có số liệu CPI của TP.HCM song theo thông lệ, chỉ số giá ở "đầu cầu kinh tế" phía nam thường thấp hơn Hà Nội.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tại các địa phương trên, chủ yếu mức giảm vẫn nằm ở giá lương thực, thực phẩm (chiếm tỉ trọng lớn nhất 40% trong rổ tính giá).

Ben cạnh đó, giá bán lẻ xăng dầu tiếp giảm 2 lần trong giai đoạn cuối tháng 6 và đầu tháng 7 được cho là có tác động lớn tới mặt bằng giá chung.

Tại Hà Nội, dịch vụ giao thông giảm giá mạnh nhất trong 14 nhóm mặt hàng (-2,9%). Tiếp đó là nhà ở - vật liệu xây dựng (-1,2%) và hàng ăn - dịch vụ ăn uống (-0,21%).

Báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa công bố cũng cho thấy, giá cả thị trường trên cả nước trong 15 ngày đầu tháng 7 tiếp tục ổn định và giảm nhẹ, chỉ có một số ít mặt hàng tăng nhẹ.

Theo dự báo, CPI của cả nước trong tháng 7 nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng âm.

Tính đến hết tháng 6-2012, lạm phát của cả nền kinh tế mới chỉ ở mức 2,52%, thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Việc giảm phát trong nhiều địa phương trọng điểm kinh tế đã dấy lên những lo ngại về vòng quay tiền.

Tình trạng giảm phát có thể được giải thích do sự trì trệ, bế tắc trong sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trước giá đầu vào cao, tồn kho tăng, chi phí vay lớn và cầu thị trường thấp, người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn chi tiêu tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chỉ tính riêng tháng 6 thì lạm phát âm chưa đáng lo, có thể coi là tín hiệu mừng. Song nếu kéo dài trong nhiều tháng và trên diện rộng thì sẽ là biểu hiện xấu của nền kinh tế, nhất là đặt trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng GDP vẫn ì ạch 4,38% trong 6 tháng đầu năm.

Vũ Như tổng hợp

Theo Viết