'Cột mốc' chủ quyền mới
> Canh trời giữ biển theo cách Viettel (P1)
> Tái cơ cấu Tập đoàn Viettel
> 'Những cánh tay' nối Trường Sa với đất liền
Với sự phát triển vượt bậc trong những năm qua, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) không chỉ đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Từ sóng trên núi…
Trung tá Tào Đức Thắng, Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel cho biết, hiện nay sóng di động của Viettel cơ bản đã phủ kín vùng biên giới trên đất liền. Mỗi đồn biên phòng đều có một trạm phát sóng, mỗi km đường biên đều được phủ sóng di động. Kinh phí để đầu tư 1 trạm ở khu vực này thường cao hơn từ 1,5 - 3 lần so với các trạm thông thường. Trong đó có rất nhiều trạm chỉ phục vụ vài chục đến vài trăm thuê bao thường xuyên (trong khi bình quân mỗi trạm của Viettel phục vụ khoảng 2 ngàn thuê bao thường xuyên). 775 trạm phát sóng thông tin di động vùng biên với tổng kinh phí lên tới 215 tỷ đồng đã được Viettel đầu tư xây dựng cho mục tiêu phủ sóng khẳng định chủ quyền, trực tiếp góp phần bảo đảm an ninh biên giới.
Theo Trung tá Hoàng Văn Luật, Chính trị viên Đồn biên phòng A Mú Sung (Lào Cai), chính nhờ di động mà công tác quản lý địa bàn cũng như thông tin của các chiến sĩ biên phòng nơi đây thuận lợi hơn. Trước đây, có việc gì bất thường là người dân phải đi bộ, hoặc đi xe máy lên tận đồn báo cáo. Cần chỉ đạo việc gì, đồn cũng phải cử người xuống tận thôn. Nay nhờ có di động, suốt tuyến biên giới do đồn A Mú Sung quản lý, có bất kỳ chuyện gì khác thường, đều được bà con thông báo ngay. Có người xin qua biên giới thăm người thân, trao đổi hàng hóa, khi qua đó có chuyện bất trắc, nhờ có sóng di động gọi ngay về bên nhà, nên chính quyền, đồn biên phòng và người thân đều phối hợp giải quyết kịp thời.
Còn ở vùng biên giới Hà Giang, nơi một thời người dân ăn không ngon, ngủ không yên vì nạn bắt cóc trẻ em qua bên kia biên giới, Trung tá Nguyễn Xuân Vẻ, Chính trị viên Đồn biên phòng Lũng Làn cho biết thêm: “Nhờ có sóng di động của Viettel nên các vụ việc bắt cóc được phá rất nhanh và giảm rõ rệt. Nếu như năm 2008, riêng đồn Lũng Làn phải xử lý 4 vụ bắt cóc, năm 2009 phải xử lý 5 vụ thì đến quá nửa năm 2010, đồn mới chỉ phải xử lý có 1 vụ”.
...đến sóng trên sóng
Trên biển, hiện nay Viettel sở hữu mạng lưới phục vụ biển đảo với hơn 1.400 trạm BTS dọc bờ biển và ngoài khơi, có khả năng phục vụ gần 7 triệu thuê bao. Trong đó, các trạm phủ biển (phát sóng tầm xa 60 - 100km), các trạm phủ đảo và nhà giàn trên biển phục vụ được gần 1 triệu thuê bao. Toàn bộ dải dọc bờ biển dài hơn 3 ngàn km và vùng biển Việt Nam đều được phủ sóng di động với bán kính cách bờ là 100km với diện tích hơn 300 ngàn km2, phủ sóng 100% các đảo ven bờ, các đảo thuộc Vịnh Bắc Bộ.
Hệ thống này đem lại cơ hội liên lạc đối với 2 triệu người hàng ngày làm việc khai thác, đánh bắt thủy sản và các dịch vụ trên biển của Việt Nam, đặc biệt trong số đó là hàng chục ngàn ngư dân đánh bắt xa bờ, các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Nhiều ngư dân gặp nạn giữa trùng khơi, nhờ sóng di động của Viettel mà liên lạc được với đất liền gọi tàu cứu hộ của bộ đội hải quân, biên phòng kịp thời ra cứu vớt. Cạnh đó các ngư dân có thể cập nhật thông tin về thời tiết, giá thủy sản hàng ngày...
Hiện nay, hầu như tất cả các đảo gần, đảo xa thuộc chủ quyền lãnh hải Việt Nam đều được phủ sóng, đưa biển khơi đảo xa gắn bó với đất liền chỉ qua một nút bấm máy di động.
Để “mở sóng” tới các vùng biển đảo xa xôi, nhiều cán bộ, kỹ sư của Viettel đã phải lênh đênh trên biển hàng tháng trời để khảo sát, thử nghiệm tính năng của từng thiết bị. Tháng 7/2009, Viettel đã thành công khi thực hiện giải pháp phát sóng di động xa 100km từ bờ biển bằng cách thay đổi chiều cao cột phát sóng, sử dụng các thiết bị kích sóng, chọn các điểm đặt cột hợp lý...
Bằng nỗ lực vượt bậc, với tổng hợp các giải pháp kỹ thuật, đến cuối năm 2010, hệ thống viễn thông biển đảo của Viettel đã cơ bản hoàn thành. 283 trạm biển đảo đã được xây dựng. Còn hơn cả những trạm phục vụ đường biên trên bộ, chi phí để xây dựng một trạm BTS phát sóng biển đảo cao gấp 5 lần chi phí để xây dựng trạm thông thường, tức khoảng 2 tỷ đồng/trạm. Để đảm bảo năng lượng tại các vị trí đặc thù của hệ thống viễn thông biển đảo, không phụ thuộc vào điện lưới, Viettel đã đầu tư 67 bộ pin năng lượng mặt trời công suất lớn cho 67 trạm phát sóng, trị giá tới gần 40 tỷ đồng.
Đại tá Mậu Quang Bình – Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng D Hải Quân chia sẻ, sóng di động đã làm thay đổi căn bản đời sống tinh thần của người lính đảo: Trước kia, ngày tôi còn là sỹ quan trẻ ra làm nhiệm vụ, đảo còn hoang sơ, cách biệt lắm, người lính có khi vài năm không nghe thấy tiếng khóc con trẻ. Nay nhiều đảo cây xanh đã phủ kín, và đời sống vật chất, tinh thần của lính đảo cũng tốt hơn nhiều. Sỹ quan hải quân thường nói, nếu trước kia chỉ có thể dạy con bằng thư, thì nay đã có thể dạy con qua điện thoại hàng ngày. Không còn cảnh chờ thư nhà, không còn cảnh đọc báo cũ… Giờ đây không chỉ được thường xuyên liên lạc với gia đình, người thân, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo còn có điều kiện thường xuyên cập nhật thông tin xã hội thông qua Internet không dây. Ngoài ra, nhờ có hệ thống cầu truyền hình do Viettel đầu tư lắp đặt, các bác sỹ Quân y viện 175 tại TP Hồ Chí Minh đã có những hỗ trợ chuyên môn trực tiếp cho Trường Sa trong những tình huống cấp cứu quân và dân trên đảo.
Với sóng viễn thông vươn tới các đảo xa, có thể nói rằng Viettel đã góp phần đặt một cột mốc chủ quyền quốc gia trên vùng biển đảo quan trọng và thiêng liêng này. Có phương tiện thông tin liên lạc thuận tiện và thông suốt, ngư dân tại ngư trường Trường Sa cũng như tại các ngư trường khác thêm yên tâm bám biển để phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của quốc gia.
Từ Trung tâm Điều hành Mạng lưới Viettel, Trung tá Tào Đức Thắng chỉ vào màn hình phóng to phản ánh tuyến cáp quang của Viettel dọc theo các tuyến biên giới, từng điểm trạm phát sóng trên cao điểm đảo xa và cho biết: “Chúng tôi đầu tư những trạm này không phải lấy lợi nhuận hay số lượng thuê bao làm mục tiêu. Đây là nhiệm vụ, là trách nhiệm đảm bảo an ninh-quốc phòng của Viettel.”
Sau hàng chục năm nỗ lực xây dựng, từ một doanh nghiệp trước đây phải sử dụng nhờ hạ tầng của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đến nay Viettel đã trở thành doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng lưới lớn nhất Việt Nam với gần 56.000 trạm thu phát sóng di động, gần 200.000 km cáp quang, đã “quang hóa” được 94% số xã trên cả nước, phủ sóng 100% các đồn biên phòng, khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền, biên giới quốc gia.
Theo Phương Anh
Báo điện tử ĐCS