Công ty chứng khoán: Lỗ khủng, nợ xấu
> Chứng khoán & BĐS: Cặp đôi không song hành
> Đại gia Việt 'đau' vì chứng khoán
> Bầu Thụy 'lỗ' 51 tỷ đồng vì chứng khoán
Tới thời điểm này đã có 40 CTCK công bố kết quả kinh doanh đầy đủ năm 2012. Đáng chú ý 2/3 trong số này báo cáo có lãi trong năm 2012 và các CTCK tên tuổi đang trở lại dẫn đầu lợi nhuận trên thị trường. Tuy nhiên, không vì vậy mà gam màu sáng sẽ là gam màu chủ đạo trong bức tranh toàn cảnh.
Lỗ vẫn “khủng”
Trong số các CTCK đã công bố BCTC, CTCK Sacombank (SBS) dẫn đầu với mức lỗ 128 tỉ đồng. SBS có thể phải đối mặt với việc hủy niêm yết bắt buộc khi mà Cty thông báo vốn chủ sở hữu âm hơn 245 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến hết năm 2012 lên đến 1.761 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 1.266 tỉ đồng. Năm 2011, Cty đã lỗ 610 tỉ đồng. Một CTCK khác cũng lỗ lớn là Phú Hưng (PHS). Trong năm 2012, PHS lỗ 101,5 tỉ đồng, tính chung cả 2 năm gần nhất, PHS lỗ 148 tỉ đồng.
Các CTCK khác có mức lỗ thấp hơn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một số Cty có lỗ lũy kế tăng nhanh, vượt vốn điều lệ của Cty. Trường hợp của CTCK Quốc tế (VISE), Cty báo lỗ gần 23 tỉ đồng, thấp hơn khoản lỗ gần 53 tỉ đồng ở năm 2011 nhưng mức lỗ lũy kế đến hết năm 2012 là hơn 73 tỉ đồng. Lỗ nặng và “bê bối” còn phải kể đến trường hợp CTCK Tràng An (TAS). TAS chưa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV nhưng Cty này lỗ 7,4 tỉ đồng 9 tháng đầu năm. Hay như CTCK Âu Việt (AVS) báo lỗ hơn 10 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến hết năm là hơn 151 tỉ đồng. Đến nay, AVS đã ngừng hẳn các nghiệp vụ kinh doanh và đang chờ ĐHCĐ thông qua quyết định giải thể Cty.
Gian lận, bán khống
UBCKNN vừa công bố quyết định xử phạt 320 triệu đồng đối với CTCK Golden Bridge (GBS) do có nhiều vi phạm như cho khách hàng đặt lệnh mua CK khi không có đủ tiền theo quy định pháp luật; bán khống CK; không thực hiện nghĩa vụ báo cáo tỉ lệ an toàn tài chính của CTCK... Nóng nhất về sai phạm của CTCK trong tháng đầu năm 2013 có thể kể đến vụ việc ông Lê Hồ Khôi, TGĐ CTCK Tràng An (TAS) bị khởi tố và bắt tạm giam trong vài ngày qua cũng làm lộ ra một loạt các sai phạm tại Cty này. Theo đó, TAS đã cho NĐT mua CK khi không đủ tiền và đã bị Trung tâm lưu ký ngừng cung cấp các dịch vụ liên quan, HoSE ngừng giao dịch, đưa TAS vào diện chấm dứt tư cách thành viên bắt buộc.
Thanh tra UBCKNN mới đây cũng cho biết sẽ tiếp tục thanh tra về bán khống từ tuần này sau khi nhận thấy dấu hiệu hiện tượng bán khống xuất hiện trong hơn một tuần trở lại đây. Lợi dụng thời điểm thị trường tăng điểm và thanh khoản được cải thiện, một số CP đã bị bán khống với sự trợ giúp của một số tổ chức và cá nhân. Một số CTCK xác nhận, bán khống đã quay lại dưới các hình thức tinh vi hơn nhờ các nhóm khách hàng được nối ráp với nhau thông qua các môi giới. UBCK cảnh báo sẵn sàng áp dụng biện pháp nặng là đình chỉ hoạt động môi giới của CTCK nếu phát hiện bán khống có sự tiếp tay của nhân viên các Cty này bất kể quy mô bán khống ở mức độ nào.
Đau đầu với nợ xấu
Trong khi đó, nợ xấu đang là chuyện đau đầu không chỉ của hệ thống NH mà còn của các CTCK. Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 30-9-2012 nợ xấu của toàn ngành NH là 200.000 tỉ đồng, chiếm 8,82% tổng dư nợ; trong đó CK đóng góp vào tổng số nợ xấu này khoảng 12.000 tỉ đồng.
TGĐ một CTCK tại TPHCM thừa nhận, bản thân các CTCK nhỏ rất khó thực hiện các nghiệp vụ margin (cho NĐT vay thêm tiền để đầu tư tiếp vào CK), hợp tác đầu tư hay repo, vì yếu về tài chính. Các hoạt động này diễn ra chủ yếu ở các Cty lớn, đặc biệt là các CTCK con của các NH. Nên khi thị trường suy giảm, giao dịch èo uột, khách hàng khó trả nợ thì không chỉ bản thân CTCK gặp nguy mà còn kéo theo những “nhà tài trợ” phía sau là các NH, quỹ đầu tư... Bên cạnh đó, việc nhận diện khoản nào là nợ xấu giữa CTCK và khách hàng không hề đơn giản. Những điều này cho thấy các CTCK đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong việc thu hồi nợ xấu , bảo đảm tài chính trong thời gian tới.
Theo Gia Miêu
Lao động