Ý kiến đầu tiên cho rằng đây là thế hệ ít kiến thức nhất trong lịch sử nhân loại. Trong cuốn Trong thế hệ đần nhất: Thời đại số đã làm hỏng thế hệ Mỹ trẻ và tàn phá tương lai như thế nào (In the dumbest generation: How the digital age stupefies young Americans and jeopardizes our future), giáo sư Mark Bauerlein cho rằng Internet đã dần làm cho giới trẻ chỉ còn quan tâm đến video game và những thứ do chính chúng viết lên mạng.
Theo ông, khi càng thông thạo sử dụng các thành quả trong cuộc cách mạng số thì người ta càng lơ là với những gì diễn ra xung quanh. Ông Bauerlein tin rằng ngày nay giới teen biết rất ít những gì đang diễn ra trên thế giới một cách tổng thể bởi vì chúng mải chúi mũi vào những mạng xã hội như Bebo, MySpace hay Facebook.
Ông cũng chỉ ra rằng một khi văn hóa đọc số hóa bao gồm những đoạn viết ngắn hay câu cụt kiểu chat lên ngôi thì cũng đồng nghĩa văn hóa đọc văn chương đang dần bị giết chết. Từ đây giáo sư này kết luận rằng thành quả của cuộc cách mạng số là sản sinh một thế hệ ít kiến thức nhất trong lịch sử.
Giáo sư Bauerlein nói: “Trong kinh nghiệm 10 năm đi dạy ít ỏi của mình, tôi thấy sự thông minh cũng như tham vọng của các học sinh không hề giảm sút, nhưng có hai thứ khác biệt kinh khủng: văn hóa đọc xuống cấp dẫn đến hỏng kiến thức tổng hợp”.
Một trong những ví dụ giáo sư Bauerlein đưa ra là có đến 50% học sinh trung học tại Mỹ tham gia cuộc khảo sát trả lời rằng trong Thế chiến thứ hai, một nước đồng minh của Mỹ là Đức, Nhật hoặc Ý!
Tương tự như giáo sư Bauerlein, trong một bài báo mang tựa đề “Phải chăng Google đang làm chúng ta đần hơn” (Is Google making us stupid?), nhà báo Nicolas Carr đã đưa ra luận điểm rằng Internet khiến con người chỉ biết đọc những đoạn văn bản rất ngắn và gần như mất khả năng đọc những áng văn trong sách.
Tuy nhiên khác với Bauerlein, Carr lại chứng minh được rằng sử dụng Internet, nhất là việc tìm kiếm trên mạng, giúp hầu hết các phần của bộ não đều hoạt động và thậm chí hoạt động mạnh hơn khi người ta đọc sách - một điều giúp bộ não phát triển.
Cực đoan nhất là nhà báo Maggie Jackson của tờ Boston Globe. Trong bài báo của mình, Jackson lo sợ rằng việc “lũ trẻ” nghiện Internet, không đọc, mất khả năng tập trung, lơ đễnh … sẽ đưa nền văn minh của nhân loại đi vào một thời kỳ đen tối mới. Jackson so sánh thời đại chúng ta đang sống với thời điểm vào năm 410 khi châu Âu chuẩn bị bước vào đêm trường Trung cổ và khẳng định nhân loại đang ở vào thời khắc “văn hóa tranh tối tranh sáng”, đứng trên một bập bênh, cạnh bờ vực của một thời kỳ đen tối.
Thế hệ tuyệt vời kế tiếp
Đi ngược hoàn toàn với ý kiến trên là học giả Neil Howe với tác phẩm Millennial: Thế hệ tuyệt vời kế tiếp. Howe khẳng định cũng giống như “Thế hệ tuyệt vời nhất” - những người phải chịu thách thức từ cuộc đại khủng hoảng và Thế chiến thứ hai, thế hệ trẻ ngày nay lớn lên trong một thế giới truyền thông đa tầng phức tạp sẽ vượt qua những thử thách rắc rối và mới lạ của thế kỷ 21.
So sánh với những thế hệ trước, Howe chỉ ra rằng thế hệ này ít phạm tội hơn, ít hút thuốc hay uống rượu bia hơn và quan trọng là dường như gần gũi thương yêu cha mẹ hơn.
Trong cuộc tranh luận với chính Bauerlein tại Washington DC, Howe đã phản bác các luận điểm của giáo sư này bằng lập luận rằng nếu như đã có 10.000 bài viết về nguyên nhân của Thế chiến thứ hai thì tại sao chúng ta lại phải làm lại điều đó? Tại sao các giáo sư không cung cấp ngay lý do cho các sinh viên để có thể tiếp tục giải quyết những vấn đề mới.
Và nếu dùng phương pháp cũ, mọi người sẽ dễ bị chán ngấy. Và nếu muốn thu hút sự chú ý của thế hệ này, chỉ còn cách duy nhất là phải có những tính năng giống như các thiết bị số thân yêu của chúng: sáng tạo, mãnh liệt và thư giãn.
Theo Chu Yên
Tuổi Trẻ/Independent, InformationWeek