'Cổng địa ngục' tại Trung Á
> Turkmenistan xây biển hồ trên sa mạc
Một hố lửa tại Turkmenistan cháy liên tục trong hơn 40 năm qua và người ta gọi nó là "cổng địa ngục".
Vào năm 1971, khi các kỹ sư địa chất Liên Xô thăm dò địa hình tại sa mạc Karakum của Turkmenistan, máy khoan của họ đã chọc trúng một hang ngầm chứa khí gas. Lo ngại hang sẽ thải ra khí độc, các kỹ sư quyết định đốt nó với hy vọng khí gas sẽ cạn kiệt trong vài ngày. Song trái với tính toán của họ, lửa trong hố đã cháy liên tục trong hơn 40 năm qua.
Ngày nay "cổng địa ngục" - cách thủ đô Ashgabat của Turkmenistan khoảng 260 km về phía bắc - trở thành một điểm hấp dẫn đối với du khách từ khắp nơi trên thế giới. Những ngọn lửa trong hố tạo nên một quầng sáng màu vàng lớn đến nỗi con người có thể thấy nó từ khoảng cách vài km.
Tổng thống Gurbanguly Berdimuhamedow của Turkmenistan từng tới sa mạc Karakum để thị sát "cổng địa ngục" vào năm 2010 và ra lệnh lấp hố. Nhưng tới nay mệnh lệnh của ông vẫn chưa được thực thi.
Sa mạc Karakum, có diện tích gần 280.000 km2, bao phủ phần lớn lãnh thổ Turkmenistan. Nhiều mỏ dầu và khí đốt lớn tồn tại trong sa mạc này.
Theo Minh Long
VnExpress