Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đến dự lễ công bố. Theo sách trắng doanh nghiệp, lần này, khối doanh nghiệp tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ dẫn đầu với doanh thu, nộp ngân sách nhà nước vượt cả khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN nhà nước.
Chiếm hơn 50% doanh thu
Tại buổi công bố Sách trắng doanh nghiệp (DN) năm 2019 ngày 10/7, Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2017, tổng doanh thu thuần của toàn bộ DN đang hoạt động trên cả nước đạt 20,66 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu thuần của khu vực DN ngoài nhà nước đạt 11,7 triệu tỷ đồng. Khu vực doanh nghiệp FDI đạt 5,8 triệu tỷ đồng. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 3,1 triệu tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Thống kê đánh giá, giai đoạn 2016-2017, doanh thu của DN ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó, năm 2017, DN ngoài nhà nước đã khẳng định vị thế trong nền kinh tế với hơn 291 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
“Lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DN trong nước giai đoạn 2016- 2017 tăng trưởng mạnh mẽ. Lợi nhuận trung bình của khu vực DN đạt 794 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tăng 73% so với giai đoạn trước đó. Trong đó, khu vực DN ngoài nhà nước chiếm 30%”, ông Lâm cho biết.
Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, thời gian qua, kinh tế tư nhân tăng trưởng ấn tượng cả về số vốn, lợi nhuận. Cùng với đó, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Từ đó, tạo nền tảng quan trọng cho DN Việt Nam phát triển nhanh và đạt các kết quả tích cực. Số DN thành lập mới năm 2018 đạt cao nhất khi có 131.275 doanh nghiệp, với 1,47 triệu tỷ đồng vốn đăng ký.
“Quy mô doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng và vốn, tạo đà cho doanh nghiệp tăng nhanh về doanh thu. Năm 2017, doanh nghiệp không chỉ phát triển nhanh về quy mô mà còn có sự cải thiện đáng kể về hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thu nhập bình quân lao động tại doanh nghiệp/tháng trong năm 2017 đạt 8,27 triệu đồng. Lợi nhuận trước thuế doanh nghiệp tạo ra năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016. Có tới 14,5 triệu lao động trong DN và 33 triệu tỷ đồng được DN huy động sản xuất kinh doanh”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, sự tăng trưởng mạnh mẽ của DN đóng góp lớn vào tăng trưởng nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế dần chuyển dịch theo chiều sâu, Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo xu hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
DNNN nợ nhiều nhất, quay vòng vốn chậm nhất
Cũng theo thống kê tại Sách trắng DN năm 2019, năm 2017 khu vực doanh nghiệp nhà nước có chỉ số nợ 4,1 lần, nhiều nhất trong các loại hình DN. Trong khi đó, chỉ số nợ của khu vực DN ngoài nhà nước là 2,3 lần và khu vực DN FDI là 1,6 lần. Một số liệu đáng chú ý được Bộ KH&ĐT chỉ ra là chỉ số quay vòng vốn của khu vực DN nhà nước chỉ đạt 0,3 lần; bằng 50% chỉ số quay vòng vốn của toàn bộ khu vực DN (với mức 0,7 lần).
Theo Bộ KH&ĐT, bên cạnh những mặt đạt được, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn bất cập, hạn chế. Thủ tục hải quan và quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn chậm làm cho thứ bậc của Việt Nam bị giảm. Rào cản trong quản lý chuyên ngành, nhất là thủ tục kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kéo dài thời gian thông quan.
Để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN phát triển, Bộ KH&ĐT kiến nghị nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước bằng các giải pháp như: Đầu tư xây dựng hạ tầng góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hình thành các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.
“Cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa linh hoạt, dễ tiếp cận, phù hợp cơ chế thị trường và quy mô nhỏ của doanh nghiệp.Tập trung vào giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển mở rộng thị trường thông qua tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và mở rộng quy mô, giảm tỷ lệ doanh nghiệp cực nhỏ bị thua lỗ”, Bộ KH&ĐT kiến nghị.
“Sách trắng DN Việt Nam năm 2019 là ấn phẩm quan trọng và cần thiết giúp Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cũng như các hiệp hội, nhà đầu tư có được thông tin phong phú với độ tin cậy cao để đánh giá sự phát triển DN theo ngành kinh tế, theo loại hình DN và theo địa phương. Sách giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển bền vững”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá